Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Ngô Đình Diệm và những mối tình thầm kín

V.H (Theo ANTG)

Năng Lượng Mới - Cho đến nay, nhiều người vẫn quả quyết rằng Ngô Đình Diệm là người có “bệnh” không thể lấy vợ được nên phải sống độc thân. Khi nói chuyện với phụ nữ, Diệm hay… đỏ mặt. Lại có người cho rằng Diệm “ái nam ái nữ” nên tính khí bất thường, hay cáu kỉnh và làm những điều không ai lường được. Đó chỉ là lập luận của những người không ưa Diệm hoặc muốn tỏ ra ta đây biết nhiều chuyện thâm cung bí sử. Trong khi đó, những kẻ “suy tôn và nịnh thần” lại thần thánh hóa Diệm một cách quá mức, cho rằng Diệm là người thích tu thân hơn là chuyện yêu đương. Vậy thực hư chuyện tình của Diệm như thế nào?

Theo lời kể của ông Ngọa Thế Cầu, thời Bảo Đại từng là tri phủ và là bạn học thuở nhỏ của Diệm ở Huế, thì có một lần vào cuối năm trung học, Diệm đã tâm sự với Cầu là khi Diệm vừa lên Première Année (lớp đầu tiên của chương trình trung học), Diệm đã cắt đầu ngón tay thề với mình là không bao giờ để chuyện yêu đương tình ái lăng nhăng len vào tâm trí, phải dồn tất cả thời gian cho việc học. Ngay từ nhỏ Diệm đã là một cậu bé ham chơi lêu lổng, phá phách và trốn học. Mỗi lần xe lửa chạy ngang nhà, Diệm thường khuân gỗ, đá đặt lên đường ray, may mà không xảy ra tai nạn nào đáng tiếc. Diệm còn đầu trò trong các vụ đánh nhau giữa bọn trẻ trong xóm, phần lớn sau những lần như thế là máy chảy, đầu u. Một lần ông Khả phát hiện Diệm lén nhìn phụ nữ tắm, ông đã đánh Diệm một trận nên thân vào ngay chỗ hiểm. Từ đó tính khí Diệm thay đổi hẳn: mặc cảm, u uất, buồn chán.

Nhiều lúc Diệm đã nghĩ đến chuyện hiến đời mình để phụng sự Chúa, nhưng Ngô Đình Thục không muốn trong gia đình có đến hai người đi tu, quên phận sự của kẻ sĩ nên ngăn cản. Diệm gác ý định khoác áo tu hành.

Về mối tình đầu, Diệm kể: “Không hiểu tôi gặp được người con gái ấy có phải là do thánh ý của Chúa hay không? Một buổi chiều tôi vừa đạp xe lên đến đầu dốc, sắp sửa đến cửa nhà, thì từ phía nhà thờ Phú Cam, gia đình của quan tuần Nguyễn cũng vừa xem lễ chiều xong, bước ra. Quan Tuần Nguyễn với thầy tôi là chỗ đồng học khi xưa ở Pénang và lại là bằng hữu, nên khi gặp tôi ngài nhận ra ngay. Ngài quay lại và giới thiệu tôi với bà Tuần và mấy người con của ngài, trong số đó có người con gái út là tiểu thư Trang Đài. Qua cái nhìn đầu tiên, tôi đã thấy nàng đẹp vô cùng. Khuôn mặt nàng tỏa nét thánh thiện như Đức Mẹ vậy. Tôi đánh bạo mời quan Tuần và gia quyến vào nhà, nhưng ngài viện cớ phải về gấp vì bận việc. Lúc chia tay, hai người con trai lớn của ngài siết tay tôi ra vẻ thân tình. Trang Đài cũng e thẹn cúi đầu chào tôi lễ phép.

Mấy ngày sau, vào một buổi sáng chủ nhật, lúc vừa lên khỏi mấy bậc tam cấp của nhà thờ Phú Cam, thật bất ngờ tôi gặp lại Trang Đài cũng đang vào xem lễ.

Tư thất của quan Tuần Nguyễn mãi bên An Cựu, lẽ ra nàng phải đi lễ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, không hiểu tại sao nàng lại sang lễ tận bên này. Giữa lúc tôi đang bối rối, Trang Đài đã kín đáo đưa mắt cúi đầu chào tôi trước. Lúc lễ xong, chúng tôi gặp nhau trước sân nhà thờ. Lần này tôi đánh bạo đến chào hỏi nàng. Không giống như nhiều tiểu thư con nhà quyền quý khác trong cách đối xử, nàng không hề tỏ vẻ hợm mình hoặc kênh kiệu quá đáng. Lời nói cũng như cử chỉ của nàng, vừa đằm thắm vừa nghiêm nghị… Tôi không làm sao diễn tả hết được. Rồi cứ thế, sáng Chủ nhật tuần nào tôi cũng đều đi lễ để gặp Trang Đài. Chúng tôi không còn rụt rè, ngần ngại nữa. Có những lúc gia quyến cụ Tuần trông thấy nhưng các cụ chỉ gật đầu khi tôi cúi chào rồi ra xe về trước. Thầy mẹ tôi cũng chẳng phản đối gì. Hết bậc trung học, tôi được gia đình cho ra Bắc học tiếp, tôi và Trang Đài chưa thầm hẹn điều gì với nhau nhưng giữa hai chúng tôi như đã nảy nở những tình cảm rất quý mến”.

Đêm cuối trước khi Diệm ra Hà Nội học Trường Hậu bổ, Diệm đã ngỏ lời yêu Trang Đài và hẹn ngày đỗ đạt thành tài sẽ cưới. Đó cũng là lần gặp cuối cùng của hai người. Tiểu thư Trang Đài thầm lặng đợi chờ ngày Diệm trở về, cô cương quyết không chịu lấy ai. Khi Diệm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã quên lời hò hẹn năm xưa, Trang Đài quá đau khổ, cô vào tu trong một dòng kín ở Sài Gòn.

Năm 1948, cựu Thượng thư Diệm vào miền Nam, khi thì ở Vĩnh Long với anh là Ngô Đình Thục, khi thì lên Sài Gòn ngụ tại Thánh đường Saint Pierre nằm ở đường Ypres (Nguyễn Văn Tráng). Có thời Diệm sống tại nhà thờ Cha Tam ở Chợ lớn.

Khi ở Vĩnh Long về Sài Gòn, Diệm thường dến nhà ông Kim bàn việc xã hội, họp mặt với nhóm Tinh Thần và Hoa Lư - hai tờ báo hoạt động theo khuynh hướng xã hội Công giáo. Trụ sở của hai nhóm này đặt trên tầng hai tư thất của luật sư Lê Văn Kim. Phía dưới căn lầu đó là Văn phòng luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau này luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam). Hằng ngày Diệm đến trụ sở này làm việc với một số cộng sự, trong số đó có giáo sư Phạm Văn Nhu vừa từ Huế vào.

Phạm Văn Nhu vốn là bạn đồng học, thân thiết với Diệm từ thuở nhỏ. Đám bạn bè chung của hai người vẫn thường nói chuyện “tếu táo” với nhau sau những giờ làm việc mệt nhọc cho thư giãn thần kinh. Song khi Diệm đến thì mọi người phải bắt tay vào làm việc, Diệm không thích “tiếu lâm”, dù Diệm có thể ngồi nói chuyện tràng giang đại hải với đủ thứ chuyện trên đời.

Một chuyện tình khác của Diệm sau này đã được Phạm Văn Nhu, nguyên Chủ tịch Quốc hội của chế độ nhà Ngô kể lại khá tường tận:

Vào một buổi sáng đẹp trời năm 1948, Diệm từ nhà thờ Cha Tam đến tìm ông Nhu ở trụ sở nhóm Tinh Thần - Hoa Lư. Hôm ấy nom Diệm bảnh bao và phấn chấn lắm, vẻ ưu tư, khắc khổ biến mất. Phạm Văn Nhu nghĩ bụng: Chắc hẳn “cha” này mới nhận được tin gì tốt lành đây. Diệm bảo Phạm Văn Nhu: “Mọi công việc hãy xếp lại, sáng nay bọn mình đi chơi sở thú”. Ông Nhu mượn chiếc xe hơi Limousine của viện tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương. Hai người “thả ga” lên hướng Sở thú. Dọc đường Diệm đề nghị: “Bọn mình ghé tiệm nào uống ly cà phê chơi”. Đó cũng là một điều lạ khiến ông Nhu không khỏi thắc mắc. Sau tuần cà phê, hai người lên Sở thú, đi một vòng thưởng ngoạn cỏ cây, hoa lá, muông thú. Nhưng xem chừng Diệm có điều gì “náo nức” khác hơn là chuyện dạo chơi ngắm cảnh.

Ở Sở thú ra, Diệm ngần ngại, đắn đo một lúc lâu, rồi bảo Nhu: “Ông cho tôi lên đường Pellerin (tức Pasteur ngày nay). Nơi ngã tư Pellerin và đường Lé Grand de Laliraye (tức Điện Biên Phủ), hai người vào một căn nhà trệt của dãy nhà 2 tầng (dãy nhà gồm nhiều căn, chủ nhà hầu hết là công chức Pháp). Ông Phạm Văn Nhu hỏi: “Ta vào nhà ai đây?”. Diệm vẻ mặt tươi hẳn lên đáp: “Tôi vào đây thăm mệ nó”.  Lần đầu tiên Nhu nghe thấy Diệm nói đến điều này. Tên người đàn bà đó là gì, Diệm không cho biết vì sợ nhiều người biết chăng, Diệm gõ cửa phòng, một người đàn ông trạc 50 tuổi ra mở cửa. Vừa trông thấy Diệm, ông ta đã cúi đầu kính cẩn thưa: “Mời cụ lớn vào”. Diệm hỏi ngay: “Bà có nhà không?”. Người đàn ông thưa: “Bẩm cụ lớn, bà con mới ra Nha Trang, mời cụ lớn vào nhà dùng nước đã”. Diệm đang vui bỗng nhăn mặt lại, nói trống không: “Lạ hé! Đi Nha Trang mà không cho biết hỉ?”. Diệm đứng bần thần một lúc rồi hỏi người đàn ông: “Ông có biết bà ấy ra Nha Trang ở nơi mô không? Ông có địa chỉ không?”. Diệm bỗng tươi tỉnh hẳn. Quay sang Phạm Văn Nhu, Diệm bảo: “Ông có mang giấy bút, ông ghi lại cho tôi ngay!”.

Phạm Văn Nhu nghĩ bụng, hẳn là Diệm hay lui tới căn nhà này cho nên gia nhân mới thân mật chào mời như vậy. Căn nhà đó lần đầu tiên Phạm Văn Nhu đến thăm, và ông cũng là người duy nhất  được Diệm tin cẩn rủ đi theo. Khi có địa chỉ, Diệm mừng rỡ về nhà bảo Nhu sửa soạn hành lý đi Nha Trang ngay. Dọc đường về nhà, Diệm đã tâm tình với ông Nhu là mệ nó tuy lấy Tây, bị mọi người khinh rẻ nhưng lòng dạ tốt lắm. Nhờ “mệ nó” (Diệm nhắc đi nhắc lại nhiều lần), nói đúng ra là nhờ chồng hờ “mệ nó” là nười Pháp  làm việc tại Sở Mật thám (bót Catinat), mỗi khi có bạn bè hay người quen bị mật thám bắt, Diệm lại nhờ mệ nó can thiệp trả tự do ngay.

Sau này cũng vì một vụ can thiệp như vậy, người chồng Pháp của bà ta bị thải hồi, thất nghiệp, phải lên Đà Lạt làm công cho một hãng sửa xe hơi. Ông ta bị chết trong một vụ tai nạn máy bay ở Sài Gòn.

Ngày hôm sau, Diệm và Nhu đã có mặt tại Nha Trang. Nhu đi kiếm địa chỉ trước, để về báo cho Diệm. Khi gặp bà ta, Nhu mới ngã ngửa, kinh ngạc. Người đàn bà này không ai khác hơn là một gái làng chơi thứ thiệt. Có lẽ linh cảm thấy Diệm có điều gì đó bất bình thường, bà ta tìm cách xa lánh, thậm chí hắt hủi Diệm.

Qua bao nhiêu năm xa cách, Phạm Văn Nhu không hiểu vì duyên cớ gì khiến Diệm si mê người đàn bà ấy. Có lần Diệm đã tâm tình với ông Nhu: “Từ ngày gặp mệ nó tối nào tôi cũng nằm chiêm bao ông ạ. Ước gì lấy được và có với mệ nó vài đứa con”.

Mệ nó ra Nha Trang lần ấy là lần cuối cùng, trước khi sang Pháp sống lưu lạc ở quê chồng. Sau lần gặp ấy, Diệm mắc bệnh tương tư, biếng ăn và lầm lì, khó tính.

Phạm Văn Nhu cho biết, từ đó về sau, ông không bao giờ còn nghe thấy Diệm nhắc đến mệ nó nữa, Thục cũng không nỡ hỏi vì sợ Diệm buồn.

Nhưng theo Đỗ Mậu, nguyên Đại tá, trùm an ninh quân đội và là một tay chân tâm phúc của Diệm kể lại trong hồi ký, thì Diệm hoàn toàn không phải là người lãnh cảm hay bất lực. Trong những lúc trà dư tửu hậu, Mậu với Diệm ngồi hàng giờ nói về chuyện phòng the và tướng số. Diệm rất tin vào số mệnh và coi chuyện tình cảm, hôn nhân cũng hoàn toàn lệ thuộc vào “cái số”. Số của Diệm là phải sống cô độc, không được gần đàn bà vì âm khí của nó sẽ triệt cái nghiệp của Diệm, vì vậy, Diệm đâm ra hay cáu kỉnh và rất ghét đàn bà, nhất là gái làng chơi.

Năm 1959, hàng loạt viên chức cảnh sát, cả lớn lẫn bé đã bị Diệm giáng chức vì tội giao du với gái mại dâm, cả gan để “chị em” quấy rầy Tổng thống. Nhân đi thăm Trung tâm Huấn luyện Quang Trung về, Diệm nảy ra ý định ghé qua thăm khu di cư Xóm Mới - nơi Diệm nghe nói giáo dân di cư đông đúc, làm ăn phát đạt, phố xá sầm uất. Từ Hóc Môn, Diệm ra lệnh cho xe hộ tống mở đường rẽ về lối Gò Vấp - Hạnh Thông Tây. Khi đoàn xe đi đến ngã ba Chú Ía, Diệm kêu xe dừng lại, bước xuống tản bộ. Lập tức, hàng chục “chị em” phấn son lòe loẹt, áo quần hở hang vây lấy “ông nhà giàu vận đồ Tây” mời chào, níu kéo.

Sĩ quan tùy tùng và lính hộ tống thấy vậy đều xanh mặt. Diệm cũng đỏ mặt tía tai, hỏi xẵng: “Đây là trại di cư mô? Mấy con mụ nớ mần chi mà dị hợm rứa?”. Viên sĩ quan tùy tùng mặt cắt không ra máu ấp úng: “Dạ…dạ… đây là khu… gái… gái giang hồ”. Hầm hầm nét mặt, Diệm lên xe về gấp, ra lệnh gọi Giám đốc Cảnh sát Đô thành, Tỉnh trưởng Gia Định và Trung tá Cao Văn Viên - Chỉ huy trưởng Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống tới. Diệm quát tháo ầm ĩ một hồi. Sau đó, hàng loạt sĩ quan từ Trưởng Ty Cảnh sát Gia Định, Trưởng chi cục Cảnh sát Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, Tân Bình… đều bị Diệm thẳng tay cách chức.

Bị ức chế về tình cảm lẫn sinh lý, Diệm tỏ ra cực kỳ hà khắc đối với chuyện trai gái của các bộ trưởng, tướng tá trong chính quyền. Năm 1963, Thiếu tường Hồ Văn Tố, Chỉ huy trưởng Trường sĩ quan Thủ Đức bắt bồ với cô gái thầu Câu lạc bộ trong trường, không may bị chết vì… thượng mã phong. Nghe Đỗ Mậu báo cáo lại, Diệm nổi trận lôi đình: “Thằng nớ làm xấu mặt cả quân đội. Hắn chết là đáng kiếp. Lệnh cho bọn bên dưới: đem chôn gấp, làm ma không được cử nghi thức chi cả. Đứa mô muốn đến viếng thì đến, cấm không được đeo mề đay, phù hiệu chi hết”.

Lệnh của Diệm, không ai dám cãi nửa lời.

Xem ra, Diệm cũng là một người đàn ông bình thường như trăm ngàn người đàn ông khác, chỉ khác là ông ta không lấy vợ, có lẽ vì mối tình thầm kín với mệ nó - nửa đường nên Diệm âm thầm sống độc thân cho đến ngày chết. Những lời kể trên của các nhân chứng - cận thần của Diệm, có lẽ đúng một phần nào, chắc chắn không hư cấu và tưởng tượng như các tiểu thuyết gia hay vẽ rồng vẽ rắn vào cho thêm lăm ly bi thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét