Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công An, mới nhậm chức Bộ trưởng chưa đầy hai năm, nhưng đã có những quan điểm và việc làm "cấp tiến" mà ít quan chức nào của Việt nam cỡ Uỷ viên Bộ Chính trị thể hiện:
1/ Ông đồng ý huỷ bỏ điều 292 Bộ Luật Hình Sự 2015 trong khi Bộ Trưởng Bộ Tư pháp vẫn đòi giữ và nhiều quan chức Bộ Công An lobby giữ điều 292 này. Điều 292 BLHS 2015 dự liệu hình sự hoá những việc kinh doanh, dịch vụ (được coi là không có phép)liên quan đến Internet, nhưng theo nhiều chuyên gia, điều luật đó sẽ giết chết tinh thần và những dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Môt quan chức Bộ Công An rất tích cực đòi giữ lại điều này, trớ trêu là vị tướng cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, và mới đây "vào lò" vì một tội phạm loại này! Chính ý kiến của ông giữ vai trò quyết định để Chính Phủ và Quốc hội bỏ điều 292 này.
2/ Ông là người đã quyết định lộ trình chi tiết cho chính sách bỏ "sổ hộ khẩu" cho đến năm 2020. Ý tưởng bỏ "sổ hộ khẩu", tàn tích cuối cùng của chế độ bao cấp XHCN đã được bàn hàng chục năm, nhưng chỉ khi ông lên Bộ Trưởng Công an, ý tưởng đó mới thành chính sách của nhà cầm quyền, được bấm nút thực hiện theo một lô trình. Nếu chính sách này thực hiện triệt để, trăm triệu dân Việt sẽ đỡ mất bao thủ tục, phiền hà, cho dù ngành công an mất đi "một công cụ kiểm soát", một "đặc quyền" gây khó cho dân chúng!
3/ Ông đã thể hiện quan điểm, hạn chế Internet là cản trở tiến bộ ở Việt nam. Cho dù cấp dưới và nhiều quan chức tuyên giáo đòi yêu cầu đặt máy chủ của các hãng nước ngoài tại Việt nam, nhưng cuối cùng ông là người quyết định bỏ yêu cầu này.
4/ Đặc biệt, ông là người chấp bút và bảo vệ đề án cải cách chính ngành Công an. Cấp tổng cục sẽ bị bãi bỏ, không có ngoại lê, đến trăm cơ quan cấp cục của Bộ quyền lực này sẽ bị xoá bỏ hoặc sáp nhập. Bộ máy công an sẽ bớt tầng lớp, và "chuyên nghiệp, gọn nhẹ" hơn. Tất nhiên, ông đã đụng đến "chức vụ, cấp bậc" của hàng trăm tướng và hàng vạn cấp tá. Rất có thể cuộc "cách mạng" trong ngành công an (được bắt đầu bằng việc cải tổ các cơ cấu ngành công an) sẽ tiếp diễn theo hướng phân biệt rạch ròi cán bộ, nhân viên "bàn giấy, sự nghiệp" ngành công an (chính sách như công chức, viên chức ngành dân sự) với các tướng lĩnh, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ ngành công an trực tiếp tham gia những công việc mang tính "rủi ro" thường ngày của cảnh sát và an ninh. Nếu theo hướng đó, sẽ bớt đến chục vạn sỹ quan trong ngành công an, cũng là tiết kiệm ngân sách khổng lồ phải trả lương và phụ cấp các loại của "sỹ quan bàn giấy".
Liệu ông Tô Lâm tiếp tục có tư tưởng và việc làm "cải cách thực sự"? Rất khó trả lời, vì chỉ những việc làm trên, ông đã và sẽ vấp phải vô số "vật cản".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét