Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Công an Yên Bái: Nhà báo Lê Duy Phong từ chối luật sư bào chữa

Bá Đô

VNExp - Yên Bái thông báo việc cơ quan điều tra "từ chối cấp giấy" cho luật sư là do bị can Lê Duy Phong chưa muốn có người bảo vệ quyền lợi.

Ngày 29/6, Công an thành phố Yên Bái có văn bản gửi luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thông báo bị can Lê Duy Phong (32 tuổi, Trưởng ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam) từ chối mời luật sư bào chữa. Vì thế, Cơ quan điều tra không cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Kiệm.

"Bị can Lê Duy Phong thấy chưa cần thiết phải có luật sư tham gia và có đơn từ chối luật sư", Công an thành phố Yên Bái thông báo.

Trao đổi với báo chí khi nhận "Thông báo về việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa", luật sư Kiệm cho rằng "chưa thấy có căn cứ khẳng định Lê Duy Phong bị công an gây sức ép".

"Việc từ chối luật sư của bị can là điều bình thường, có thể sau này sẽ thay đổi", ông Kiệm nói và cho biết gia đình Lê Duy Phong đã mời ông tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ giai đoạn điều tra.

Ngày 22/6 tại Yên Bái, Lê Duy Phong bị Công an thành phố này bắt quả tang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp trong nhà hàng. Một ngày sau, Lê Duy Phong bị Công an thành phố Yên Bái khởi tố, tạm giam về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ngày 28/6, tại cuộc họp báo ở Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát cho biết hôm 16/6, Lê Duy Phong cũng tới tỉnh Yên Bái gặp ông Vũ Xuân Sáng (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư) nêu một số vi phạm của Sở, yêu cầu đưa 200 triệu đồng để giải quyết vụ việc. Ông Sáng không có đủ tiền nên giao trước 100 triệu đồng. Số tiền còn lại đã được chuyển nốt vào buổi chiều. Nhà chức trách đang làm rõ có hay không dấu hiệu hối lộ nhà báo trong vụ việc này.
***

Luật sư Kiều Anh Vũ cho biết, điểm b mục 2 phần II Nghị quyết 03/2004/NQ-HĐTP ngày 2/10/2004 của Toà án Nhân dân Tối cao quy định: Bị can, bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì chỉ có họ mới có quyền lựa chọn người bào chữa.

Trong trường hợp người thân thích hoặc người khác lựa chọn (nhờ) người bào chữa cho họ, thì vẫn phải hỏi ý kiến và được đồng ý. Phải có được sự chấp thuận của bị can, bị cáo, luật sư mới được tham gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét