VOA - Trung Quốc đã bổ nhiệm Trợ lý Ngoại Trưởng Khổng Huyễn Hựu làm đặc sứ mới của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên, sau khi người tiền nhiệm của ông, ông Vũ Đại Vĩ, đến tuổi về hưu, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/8.
Theo tiểu sử, ông Khổng là một người gốc Triều Tiên, xuất thân từ tỉnh Hắc Long Giang ở đông bắc Trung Quốc. Ông hiện đảm trách các vấn đề Châu Á tại Bộ Ngoại giao.
Ông từng nắm nhiều chức vụ cao cấp tại đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản, và từ năm 2011 tới năm 2014, là đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, xác nhận ông Khổng, 58 tuổi, đã thay thế ông Vũ, nhưng bà nói rằng không có mối liên hệ nào giữa việc bổ nhiệm này và tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà căng thẳng đã tăng cao hồi gần đây.
Bà Hoa cho biết thêm rằng không có thay đổi chính sách nào đối với bán đảo Triều Tiên vì thay đổi nhân sự này.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh hiểu biết vấn đề cho hay rằng ông Vũ Đại Vĩ đã đến tuổi về hưu, và sẽ mừng sinh nhật thứ 71 vào tháng 12 sắp tới.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã dịu đi phần nào hôm 14/8, sau khi Tổng thống Nam Triều Tiên tuyên bố phải giải quyết hòa bình các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và các giới chức Mỹ cũng phát biểu, giảm nhẹ nguy cơ xảy ra chiến tranh với Bắc Triều Tiên.
Những quan ngại về việc Bắc Triều Tiên có thể gần đạt mục tiêu là đặt lục địa Hoa Kỳ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân của họ, là lý do căng thẳng leo thang trong mấy tháng gần đây.
Trung Quốc là đồng minh thân thiết nhất của Bắc Triều Tiên, nhưng cũng tỏ ra giận dữ về những cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên tục của Bình Nhưỡng, và đã đồng ý tăng cường các biện pháp gay gắt hơn để trừng phạt đất nước vốn đã bị cô lập này.
Tuy nhiên, Trung Quốc nhấn mạnh rằng các biện pháp chế tài không phải là cách cuối cùng để giải quyết vấn đề, và đã nhiều lần kêu gọi tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên, có sự tham gia của Trung Quốc, hai miền bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản, để tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề. Các cuộc đàm phán này đã đổ vỡ hồi năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét