MTG - "Mỗi cục tiền 1.000 tờ mệnh giá 500 đồng là 500.000 đồng, nặng 750 gam", anh Hữu Danh nói. Theo anh Hữu Danh, mục đích của việc đổi tiền lẻ là dùng để qua trạm thu phí BOT Cai Lậy vì mỗi ngày anh đi qua tuyến đường này 4 lượt.
2 ngày trước, anh Hữu Danh - chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6, TP.Tân An (Long An) đã lái ôtô đến các quán ăn ở Tiền Giang để đổi được 22 triệu đồng tiền lẻ, mệnh giá 200 và 500 đồng này.
Anh Danh phản ứng bằng cách này, vì cho rằng trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và thu tiền với giá cao. Anh đã đổi được trên 22 triệu đồng tiền lẻ có mệnh giá 200-500 đồng để cho chính mình sử dụng và "phục vụ" tài xế có nhu cầu đổi.
"Họ đặt trạm BOT sai vị trí vì làm mới có 12km đường tránh Cai Lậy mà thu tiền luôn tuyến quốc lộ 1. Tôi đổi tiền lẻ qua trạm nhằm phản ứng việc đặt trạm không đúng chỗ", chủ quán cà phê nói.
Sau khi mang tiền lẻ về Long An và đổi lại cho một số tài xế, anh Hữu Danh còn 13kg tiền lẻ. Anh Danh cho người canh giữ trên chục kg tiền lẻ này và phía trước có đặt lư hương để tài xế ghé uống nước thắp nhang.
Chiều 14.8, trước khi trạm thu phí cai Lậy xả trạm, anh Danh dùng 1 "bó" tiền lẻ để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy. Nữ nhân viên BOT Cai Lậy tỏ ra lúng túng trước cục tiền lẻ nặng gần 1kg…
Do tài xế liên tục dùng tiền lẻ mua vé qua trạm đã khiến cho BOT Cai Lậy bị ùn tắc xe kéo dài. Nhà đầu tư sau đó xả trạm xuyên đêm, đến sáng 15.8, trạm tiếp tục "thả cửa" và chưa biết bao giờ mới bán vé trở lại.
Và không riêng anh Danh ủng hộ các tài xế! Theo hướng dẫn của các tài xế, PV đến các quán ăn lớn là điểm dừng của xe khách tại xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè (Tiền Giang) để mục sở thị nơi chứa tiền lẻ.
"Trạm dừng chân nào của khách đi xe đường xa là có thùng tiền lẻ đặt cạnh nhà vệ sinh. Khi nào thùng tiền đầy thì chủ quán cho nhân viên đếm rồi cột lại thành từng 'bó' 1.000 tờ, ai muốn đổi thì đổi", 1 tài xế nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét