MTG - Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, NSƯT đã trút hơi thở cuối cùng vào tối 31.10.2016 tại Hà Nội. Vẫn biết rằng sinh lão bệnh tử là điều khó tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi con người, nhưng khi nghe tin NSƯT Phạm Bằng ra đi nhiều người yêu quý ông đã không khỏi bùi ngùi thương xót.
Từ vai diễn đầu tiên khi mới vào nghề, cho đến vai diễn cuối cùng, đến nay ước tính NSƯT Phạm Bằng đã đóng đến hơn 300 vai trong các vở kịch, tiểu phẩm cả trên sân khấu và truyền hình cùng hàng chục bộ phim lớn nhỏ khác. Mỗi vai diễn của ông là một hình tượng khác nhau, nhưng có một điểm chung duy nhất là tiếng cười. Tiếng cười của NSƯT Phạm Bằng vẫn còn mãi cho dù ông đã đi xa mãi mãi ở tuổi 85.
Vẫn biết rằng sinh lão bệnh tử là điều khó tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi con người, nhưng khi nghe tin NSƯT Phạm Bằng ra đi, nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp thuộc các thế hệ và khán giả yêu mến ông đã không khỏi thương xót.
Đêm qua, hình ảnh của NSƯT Phạm Bằng được các nghệ sĩ đưa lên mạng xã hội, bên dưới bức ảnh là những dòng chia buồn sâu sắc. Những bức ảnh có khác nhau về thời gian địa điểm hoàn cảnh nhưng đa số trong các bức ảnh đó, mọi người đều thấy NSƯT Phạm Bằng đang cười. Nụ cười của ông trông rất hiền, đó là thứ ngôn ngữ không cần nói ra, không cần phiên dịch, nhưng hầu như ai cũng có thể nghe được, hiểu được ông đã nói gì với họ. Xuyên suốt cuộc hành trình 85 năm trong đời người, cũng như gần 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, dù có lúc thăng lúc trầm, nhưng ông đã sống, đã cống hiến, đã mang tiếng cười của mình để góp phần làm cho cuộc đời này tươi đẹp hơn. Tiếng cười của ông sẽ mãi còn đọng cho dù thân xác có đi vào cõi hư vô.
Nhắc đến Phạm Bằng, người ta nhớ ngay đến những vai diễn để đời của ông như:Lý trưởng trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, vai Thương trong Mớ đời Thương...Tuy nhiên đa số khán giả bình dân lại yêu quý với các vai diễn gần gũi với đời sống thường ngày nhưng mang tính trào lộng châm biếm hài hước. Đặc biệt trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, NSƯT Phạm Bằng đã hóa thân thành những “sếp to” “sếp nhỏ” đã trở thành những vai diễn mang tính "độc quyền" mà ít có diễn viên nào có thể thay thế vai trò của ông được. Khi vào vai "Sếp" trong các tiểu phẩm hài, Phạm Bằng sử dùng lối diễn cường điệu hóa, kết hợp giọng nói đặc trưng Bắc bộ pha một chút hề Chèo đã làm nhân vật của ông mang một nét riêng không lẫn vào đâu được. Với cách diễn của Phạm Bằng, khán giả khó mà nhịn cười cho dù đó là một cử chỉ, một cái lắc đầu hay một tiếng "hứ hự" của ông. Những nhân vật "sếp" do Phạm Bằng thủ vai, ngoài sự cường điệu mang tính "nhân vật hóa" thì đâu đó ta vẫn gặp trong thực tế của đời sống hiện nay. Bởi vậy những vai diễn của NSƯT Phạm Bằng luôn có những thông điệp châm biếm, chỉ trích vào thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất trong xã hội ngày nay. Tiếng cười của nghệ sĩ Phạm Bằng không đơn giản chỉ để mua vui cho khán giả mà còn mang những giá trị nghệ thuật, góp phần chống lại những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống.
Nhắc lại những vai diễn để đời của ông, chúng ta không thể không điểm qua những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của NSƯT Phạm Bằng. Đó là những ngã rẽ bất ngờ đã vô tình tạo nên một nghệ sĩ tài hoa mang tên Phạm Bằng.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội trong một gia đình không ai theo đuổi nghệ thuật. Cha mất sớm, mẹ theo nghề kinh doanh, với định kiến của xã hội đương thời, bà luôn nghĩ nghệ sĩ là nghề “xướng ca vô loại” nên cấm tuyệt đối con trai đi theo nghệ thuật. Thời niên thiếu, Phạm Bằng chưa từng nghĩ sau này mình trở thành một nghệ sĩ chứ đừng nói đến nghệ sĩ nổi tiếng.
Năm 1955 chàng trai trẻ Phạm Bằng bước chân vào trường Cao đẳng Giao thông Công chính với mong muốn sau này sẽ trở thành một nhân viên nhà nước. Thời sinh viên, bạn bè rủ rê ông tham gia đóng kịch. Ham vui, nghệ sĩ Phạm Bằng đóng vài vai cho vui, rồi sau đó chú tâm vào việc học.
Năm 1956, khi đang còn là sinh viên của trường Cao đẳng Giao thông Công chính, Phạm Bằng cay đắng bỏ học nửa chừng vì gia đình bắt đâu sa sút khó khăn lâm vào cảnh nghèo túng.Với chính sách của chính quyền thời điểm đó, gia đình được xếp vào dạng tiểu tư sản cần phải cải tạo chỉ vì mẹ ông là một tiểu thương.
Nhưng cuộc đời vẫn luôn có luật bù trừ, được cái này thì mất cái kia. Bỏ học, Phạm Bằng tìm đến với nghệ thuật. Năm 1959 khi ông tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ nổi tiếng Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Cùng trong thời điểm đó Phạm Bằng trúng tuyển vào trường Đại học Sân Hà Nội khóa đầu tiên đồng thời ông cũng trúng tuyển vào đoàn Văn công Hà Nội. Do hoàn cảnh gia đình, Phạm Bằng đã chọn đoàn Văn công Hà Nội để theo diễn, vì ở đó vừa được diễn, vừa có lương. Trong khi đó nếu tiếp tục học bên trường Cao đẳng Giao thông thì ông không còn khả vì phải đóng học phí.
Phục vụ cho đoàn Văn công Hà Nội, Phạm Bằng bắt đầu nổi tiếng với những vai diễn phản diện. Một thời gian sau đó, nghệ sĩ Phạm Bằng bắt đầu bén duyên với với diễn hài từ những những nhân vật trong tác phẩm kịch của đạo diễn Trần Hoạt. Đầu 1975, nghệ sĩ Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Tại đây, tài năng diễn hài của ông bắt đầu được thăng hoa.
Đỉnh điểm trong sự nghiệp của NSƯT Phạm Bằng có thể nhắc nói đến là chương trình Gặp nhau cuối tuần, phát sóng trên truyền hình Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010. Cứ đến chủ nhật khán giả cả nước lại ngóng chờ Phạm Bằng xuất hiện để được cười cùng với với ông "Bằng hói".
Ngày 31.10.2016, NSƯT Phạm Bằng nhắm mắt xuôi tay sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. 85 năm tuổi đời và hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, gia tài lớn nhất ông để lại cho đời là những vai diễn trào lộng độc đáo mang đậm dấu ấn Phạm Bằng.
Nghệ sĩ Phạm Bằng đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng chắc chắn tiếng cười và những vai diễn của ông sẽ còn ở lại rất lâu với người hâm mộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét