Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Ông Trần Bắc Hà chính thức nghỉ hưu từ 1/9

Nguyễn Hiền

Dân Trí - Kể từ ngày 1/9, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được HĐQT bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT, thay cho ông Trần Bắc Hà đến tuổi nghỉ hưu.

Cuối ngày hôm nay 1/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có công văn số 2651/BIDV-TKHĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT).

Theo thông tin chính thức từ BIDV, kể từ ngày 1/9, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thay vào đó, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được HĐQT bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV kể từ ngày hôm nay.

Ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1958, nguyên quán Quảng Ngãi, nơi sinh Yên Bái, là thạc sĩ kinh doanh.

Năm 1981, ông bắt đầu làm việc tại BIDV. Tháng 7/1989, ông Tuấn là Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Gia Lai (Gia Lai – Kon Tum). Tháng 9/1999, ông là Phó Tổng Giám đốc. Tháng 10/2006, Ông là Ủy viên HĐQT. Tháng 1/2008, ông Tuấn được bổ nhiệm Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV.

Từ 1/5/2012, ông giữ chức vụ Ủy viên HĐQT BIDV. Từ ngày 1/9/2016, ông Tuấn được giao phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV.

Theo báo cáo quản trị công ty, tính đến ngày 30/6, ông Trần Anh Tuấn đang nắm giữ 70.311 cổ phiếu BID của ngân hàng này. Hiện BIDV có mức vốn điều lệ 34.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ 95,28% vốn điều lệ. Trước thời điểm ông Hà nghỉ hưu thì vốn Nhà nước tại BIDV do ba thành viên đại diện là ông Trần Bắc Hà (40%), ông Phan Đức Tú (30%) và ông Đặng Xuân Sinh (30% vốn).

Như vậy, tính đến ngày hôm nay 1/9, ông Trần Bắc Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với ngân hàng BIDV 35 năm. Còn tính thời gian ngồi "ghế nóng" trên cương vị Chủ tịch BIDV, ông Hà có thời gian 8 năm, 8 tháng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Bắc Hà được biết đến là một trong những "lão tướng", với nhiều phát ngôn gây chú ý trong dư luận. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm, ông Trần Bắc Hà sở hữu 136.643 cổ phiếu BID, chiếm 0,004% vốn tại BIDV.

Và cũng dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV có một bước tiến lớn về sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh. Đó là trở thành công ty đại chúng và chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24/1/2014. Vào ngày niêm yết, giá cổ phiếu BID của BIDV là 18.700 đồng/cổ phiếu.

BIDV dưới sự điều hành của ông Hà đã có bước tăng vọt từ tổng tài sản tăng từ 246.494 tỷ đồng (năm 2008) lên 930.267 tỷ đồng (tháng 6/2016); lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng (năm 2008) lên 7.948 tỷ đồng (năm 2015), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng.

Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng nên nợ xấu của BIDV cũng tăng vọt. Theo báo cáo tài chính của 11 ngân hàng công bố vào hồi đầu tháng 8, 11 ngân hàng đang "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2%.

Vì vậy, BIDV hiện là ngân hàng dẫn đầu trong các ngân hàng có nợ xấu “phình” to hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét