(PL) - Thiếu tướng Trần Thế Quân giải thích lệnh truy nã của Interpol với ông Trịnh Xuân Thanh và những khả năng dẫn độ ông này về nước.
Xung quanh lệnh truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh (bị truy nã về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC)), nhiều vấn đề bạn đọc quan tâm như tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) sẽ thực hiện việc truy nã trên như thế nào. Trường hợp Interpol bắt được ông Thanh có dẫn độ ông này về nước…
Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), đã giải thích quy trình truy nã của Interpol cũng như các khả năng dẫn độ ông Thanh.
Theo Thiếu tướng Quân, sau khi nhận hồ sơ về bị can bị truy nã, Văn phòng Interpol Việt Nam (C55) sẽ phát lệnh này đến Interpol để truy tìm ông Thanh.
Căn cứ vào lệnh truy nã, các thành viên Interpol sẽ hỗ trợ cho cảnh sát quốc gia, vùng lãnh thổ mà bị can cư trú bắt giữ (hiện Interpol có 187 thành viên, trong đó có Việt Nam) để dẫn độ ông Thanh về nước. “Tội cố ý làm trái các quy định Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không thuộc “vùng cấm” và Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tội phạm tham nhũng ủng hộ việc bắt tội phạm tham nhũng nên các quốc gia thành viên sẽ ủng hộ việc truy bắt này” - Thiếu tướng Quân nhận định.
Theo ông Quân, sau khi cảnh sát quốc gia bắt giữ, lúc này vấn đề dẫn độ bị can về nước sẽ được đặt ra và sẽ có nhiều trường hợp xảy ra, tùy thuộc vào quốc gia bắt giữ ông Thanh.
Giả sử bị can cư trú ở quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hiệp định dẫn độ thì việc đưa bị can về nước theo quy trình, điều kiện, thủ tục của hiệp định đã ký kết.
Trường hợp bị can Thanh cư trú ở quốc gia chưa có hiệp định dẫn độ thì việc đưa bị can về nước sẽ gặp khó khăn nhất định nhưng có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi có lại” giữa hai quốc gia. “Nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức, Canada hoặc một số quốc gia khác mà phía Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, việc bắt giữ, dẫn độ sẽ khó khăn hơn vì quá trình đàm phán về dẫn độ sẽ phức tạp, lâu dài nhưng không phải là bế tắc” - Thiếu tướng Quân nói.
Theo ông Quân, việc dẫn độ trong trường hợp này sẽ vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở bàn bạc, thương lượng cụ thể. Trong nhiều trường hợp pháp luật cho phép, thủ tục dẫn độ có thể trao trả lẫn nhau. “Ví dụ, nước bạn đề nghị nước ta dẫn độ một tội phạm nào đó đang trốn ở Việt Nam, chúng ta giúp họ thì nay nước bạn sẽ giúp lại” - Thiếu tướng Quân nói.
Từ chối dẫn độ cũng theo nguyên tắc chứ không phải “tùy hứng”. Chẳng hạn châu Âu sẽ không đồng ý dẫn độ nếu chuyển giao người phạm tội về nước sẽ dẫn tới việc áp dụng hình phạt tử hình với người này, hoặc việc dẫn độ ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia, ảnh hưởng quan hệ của các nước. “Tội danh mà ông Thanh bị truy nã không nằm ở khung hình phạt đến tử hình; dẫn độ ông Thanh về nước cũng không ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích của các quốc gia khác nên không vướng vào nguyên tắc này nếu ông Thanh đang trú ở các nước châu Âu” - Thiếu tướng Quân nhận định.
Theo ông Quân, dẫn độ theo đúng thủ tục dẫn độ thì giữa Việt Nam và các nước từ trước đến nay rất ít bởi thủ tục dẫn độ cực kỳ phức tạp và lâu nay cũng không nhiều trường hợp áp dụng. Việc trao trả người cho nhau chủ yếu thực hiện theo phương thức hợp tác trao trả tội phạm hơn là dẫn độ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét