Thành Lộc kể:
Trong 1 đợt kỷ niệm cho sự kiện của 1 hội chuyên ngành về sân khấu, người ta muốn dựng lại 1 số vở kịch lừng danh của nhà hát sân khấu nhỏ 5B mà một thời tôi đã gắn bó tài nghệ mình nơi đó, chỉ là 1 đợt hoạt động mang tính sự kiện thôi nhưng trong đó có vở Lôi Vũ (tác giả Tào Ngu – Trung Quốc) mà tôi đã thành công nhiều với vai Chu Xung. Tôi từ chối tham gia ... Không thể viện lý do nghệ thuật khác với chính trị để chính mình tự làm tổn thương lòng tự trọng dân tộc của mình. Khi 2 quốc gia còn là bạn bè tôn trọng chủ quyền của nhau thì nghệ thuật còn làm thăng hoa nhau được, chứ ai lại có thể đi tôn vinh văn hoá của 1 quốc gia nó bắn giết dân ta, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta từng ngày từng giờ được.
Gã nghĩ khác.
Mặc dù với gã Thành Lộc luôn là nghệ sĩ sân khấu mà gã rất mến phục về tài năng xuất chúng , về nhân cách khẳng khái, trung thực hàng đầu cũng như tinh thần yêu nước mạnh mẽ, nhưng gã vẫn cho rằng Thành Lộc đã sai khi tẩy chay các giá trị văn hoá của Trung Quốc chỉ vì Trung Quốc xâm lấn Biển đảo của tổ quốc và bắn giết bà con ngư dân của ta.
Trước năm 1945 nước nhà nổ ra một cuộc tranh luận về “nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”- tức nghệ thuật vị chính trị của hai nhóm nhà văn không cộng sản và cộng sản. Phái cộng sản do Hải Triều và Bùi Công Trừng đứng đầu đã không thuyết phục được phái không cộng sản do Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư đứng đầu. Phái cộng sản cho rằng nghệ thuật phải phục vụ chính trị, đấu tranh giai cấp, đứng về người nghèo bị áp bức.Phái không cộng sản bảo vệ quan điểm của mình: Nghệ thuật là nghệ thuật khi nghệ thuật đồng nghĩa với cái đẹp và cái đẹp ấy cứu rỗi nhân loại.
Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là chính trị mà nghệ thuật đứng trên chính trị nếu nghệ thuật ấy đồng nghĩa với cái đẹp và chính trị ấy được hiểu một cách máy móc bảo thủ theo quan điểm giai cấp hẹp hòi.
Nghệ thuật cũng không chỉ đơn thuần khác chính trị như một số người cao ngạo có tư tưởng tách rời cuộc sống, xã hội hiểu mà nghệ thuật chân chính cũng chính là chính trị nếu chính trị ấy đồng nghĩa với cái đẹp.
Cái đẹp cứu rỗi nhân loại.
Chúng ta thấy cái đẹp trong truyện Kiều, trong thơ Uyt Man, thơ Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Tagor, Exenhin, trong kịch Ham lét, trong kịch Romeo và Juliet của Sechxpia, trong kịch Lôi Vũ của Tào Ngu...
Cái đẹp không biên giới và nó thực sự là di sản chung của nhân loại bất chấp mọi quốc gia có hận thù chém giết nhau nó vẫn vượt qua tất cả để làm sứ mệnh cứu rỗi của nó.
Chính vì vậy những người lính ra trận chống thực dân Pháp trong chiến hào vẫn say sưa kể nhau nghe mối tình của thằng gù với cô nàng digan của Hugo.
Chính vì vậy ngay khi hai miền Bắc Nam thù địch chĩa súng vào nhau, những học trò của Sài Gòn và miền Nam vẫn viết luận văn bình bài thơ Tiếng Thu của cha gã lúc ấy là một nhà thơ ở phía bên kia.
Cái lớn là ở chỗ đó.
Nghệ thuật là cái đẹp là ở chỗ đó.
Chính trị là cái đẹp là ở chỗ đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét