Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

Sao chà đạp lên nỗi đau để PR?

Xuân Minh

(VTC News) - Trong lúc gia đình đang tang tóc, đau thương, sao có những đơn vị, doanh nghiệp lại nỡ đến trao quà, rồi chụp ảnh xoành xoạch, quay phim lia lịa để quảng cáo, PR?

Của cho không bằng cách cho. Đó là câu nói từ ngàn đời nay của người Việt để bảo ban nhau cách giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn.

Thế nhưng, những ngày qua, dù vẫn trong dòng chảy chia sẻ nỗi mất mát không gì bù đắp nổi của gia đình các chiến sỹ không quân và cảnh sát biển đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ được Tổ quốc giao, một số đơn vị đã đến trao quà cho gia đình cố Đại tá Trần Quang Khải, nhưng “cách cho” khiến không ít người bức xúc.

Một bức ảnh chụp cảnh nữ đại diện Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVCab) trao cho người vợ cố Đại tá Khải tấm biển tượng trưng món quà với dòng chữ to đùng “Kính tặng miễn phí sử dụng dịch vụ Truyền hình Cáp Việt Nam”.

Bức ảnh khác là cảnh vị đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh với khuôn mặt tươi tắn bế cô con gái nhỏ của phi công Khải trong buổi trao tặng căn hộ cùng với tấm biển to đùng, nổi bật dòng chữ là thương hiệu của Tập đoàn này.

Thêm nữa, bản tin của VTV đưa cảnh khuôn mặt vợ cố Đại tá Khải vô hồn vì mất chồng, cầm tấm biển nhận quà của các đơn vị trên; phía dưới là hàng ghế dài gia quyến chít khăn tang trắng xóa…

Ai cũng sẽ cảm kích tấm lòng của hai đơn vị trên, nếu như việc trao quà diễn ra trong một không gian khác, một không khí khác, một “cách cho” khác…

Một bạn đọc bình luận khi nhìn thấy hai bức ảnh trên rằng: “Thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta phải tích âm đức. Âm là không để cho người khác biết. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức không nên để người khác biết, không nên để người khác tán thán…”.

Thực ra, bình luận này chính là câu nói trích trong “Tịnh không pháp ngữ và Phật thuyết đại thừa vô lượng, Thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác” do lão Pháp sư Tịnh Không chủ giảng. Đoạn tiếp theo của câu nói trên là: “Địa vị của chính chúng ta càng thấp càng tốt, làm công đức có tốt hơn cũng như không hề làm việc gì, chính mình cung kính khiêm hạ đối với tất cả mọi người. Có thế, công đức mà chính chúng ta tích được mới có thể bảo toàn…”.

Lời Phật dạy thì thâm ý sâu xa, nhưng đại để, có thể cảm nhận ở mức đơn giản nhất rằng, làm việc thiện thì chớ để người biết. Làm việc thiện mà quảng bá cho cả thiên hạ biết, rồi trầm trồ tán dương thì có khi thiện thành ác, hoặc không phải là chân thiện – hành thiện thực sự.

Cũng như đã nói từ đầu, cha ông ta đã đúc kết thành lời răn dạy con cháu rằng: “Của cho không bằng cách cho”.

Đó là vì, người Việt chúng ta trọng nghĩa, trọng tình; càng lúc khó khăn, khốn khổ thì ý thức đó càng trỗi dậy. Do đó, nếu trao quà không đúng cách, kiểu như bố thí, thì người Việt dễ cảm thấy tổn thương và lúc đó, dù món quà có to bằng quả núi, có là ngàn vàng vạn bạc thì cũng không có ý nghĩa gì cả…

Quay lại câu chuyện Tập đoàn Mường Thanh và VTVCab trao quà cho gia đình phi công Trần Quang Khải. Thực sự mà nói, trong lúc mất mát đau thương này, mọi sự sẻ chia đều đáng quý. Việc VTVCab và Mường Thanh làm cũng vậy, rất đáng quý.

Nhưng, vâng, nhưng ở góc độ khác, có bạn đọc cho rằng, ở đây có sự chà đạp lên nỗi đau để quảng cáo, PR thương hiệu.

Bởi, nếu thực tâm ông muốn trao quà như là cách chia sẻ thì ông cứ lặng lẽ mà làm, ghi vào tờ giấy đến trao cho gia đình là xong, cần gì phải chụp ảnh xoành xoạch, quay phim lia lịa rồi đưa tin ầm ĩ.

Từ xa xưa, trong cuộc sống của người Việt ta, dù là hàng xóm tắt lửa tối đèn hay là kẻ qua đường, họ vẫn thường xuyên giúp đỡ nhau, chia sẻ với nhau, từ bơ gạo, củ sắn, mớ khoai, hay thậm chí chỉ là lời động viên lúc hoạn nạn…

Thế nhưng, sự sẻ chia đó xuất phát từ cái tâm chân thành, đau với nỗi đau của nhau, cần gì phải để ai biết, cần gì phải đi kể khắp xóm cùng ngõ, chiềng làng chiềng chạ…

Thế cho nên, cứ lấy chân lý nhà Phật đã dạy thì rõ ràng, cái sự sẻ chia của doanh nghiệp, đơn vị kia chưa chắc đã thực tâm. Mà có khi đó chỉ là “chiêu trò”, là cách để một số cơ quan báo chí, truyền thông dễ dàng vào cuộc, đưa đẩy, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, đơn vị trao quà mà thôi.

Nếu đúng là như thế thì sao người viết bài này cứ thấy có điều gì bất nhẫn. Giữa lúc sự đau thương tột cùng của gia quyến, cũng là nỗi đau của hàng triệu người Việt trước sự hy sinh của các chiến sỹ, thế mà nỡ nghĩ ngay đến “cách cho quà” thô thiển để quảng cáo, để PR. (Đấy là chưa kể việc Tập đoàn Mường Thanh trao căn hộ của dự án Thanh Hà đang còn gây nhiều tranh cãi về tính pháp lý giữa Cienco 5, Cienco 5 Land. Điều này sẽ được chúng tôi phân tích ở một bài khác)…

Điều đáng buồn, đáng đau hơn nữa là, “chiêu trò” này hình như đã xuất hiện nhiều và nó được biến thành “chiêu thức” truyền thông của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong thời gian qua.

Như thế có độc ác quá không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét