Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Nguyên Ngọc, một người Quảng kỳ lạ

KHIẾU THỊ HOÀI

Quảng Nam - Kỳ lạ, bởi ở tuổi ngoại bát tuần, khi người ta yên vị hưởng thụ hạnh phúc sum vầy bên gia đình, con cháu thì ông gần như tách hẳn gia đình ngoài Hà Nội vào sống trong Hội An.

Kỳ lạ, bởi ở tuổi ngoại bát tuần, ông không chỉ làm giáo dục ở Hội An mà còn đi rất nhiều, không chỉ đi Hà Nội, Sài Gòn, Tây Nguyên mà còn đi nước ngoài thực hiện những chuyến công tác về văn hóa. Ông đi nhiều tới nỗi chúng tôi vẫn đùa ông là người có hộ khẩu trên máy bay.

Kỳ lạ, bởi ở tuổi ngoại bát tuần, ông vẫn nhìn thế giới với cái nhìn của trẻ thơ, luôn đặt câu hỏi “vì sao”, luôn khám phá tìm tòi những điều mới mẻ. Ông là nhà văn Nguyên Ngọc.

1.Tôi gặp ông hơn 10 năm trước, trong một cuộc phỏng vấn nhân hội thảo “Vật lý và nghệ thuật” được tổ chức ở Hội An. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp ông, người đã dịch những cuốn của Jean Paul Sartre, Roland Barthes, Milan Kundera… những cuốn sách tôi từng gối đầu giường những năm tuổi trẻ. Ấn tượng của tôi về ông là đôi mắt sáng và trông rất trẻ thơ, nhất là khi nói đến những mối liên hệ giữa vật lý và nghệ thuật. Rồi ông nói ông cùng ban sáng lập Trường Đại học Phan Châu Trinh đang xây dựng ngôi trường này tại Hội An, cuộc hội thảo thú vị này được coi như một hoạt động mở đầu của  ngôi trường đang phôi thai. Ông nói tôn chỉ mục đích của Trường Đại học Phan Châu Trinh là kết hợp chặt chẽ giữa trung tâm văn hóa - trung tâm khoa học - trung tâm giáo dục chứ không phải tách rời việc nghiên cứu khoa học và phát triển văn hóa của đất nước, địa phương, khu vực với việc giảng dạy trong nhà trường. Ông còn nói rất nhiều về ngôi trường đang được xây dựng với vẻ hăng say cùng ánh mắt rất sáng. Tôi  nghĩ, ông là nhà văn, ông mơ mộng muốn làm gì đó cho giáo dục nước nhà thì nói vậy thôi chứ làm sao mà xây dựng trường đại học ở cái tuổi đã hơn 70 được.

Nhưng tôi đã nhầm, gần 10 năm sau, “ngôi trường trong mơ” đã trở thành hiện thực với những khóa đào tạo đầu tiên và cuộc đời thật thú vị khi tôi được làm việc cùng ông. Có điều kiện ở gần, tôi thấy ông không chỉ tìm hiểu và đón nhận những điều mới mẻ mà ông có niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến ông không thể cũ và mãi mãi không già theo năm tháng mà nói như nhà văn Trung Trung Đỉnh thì “không gì có thể làm cũ ông Ngọc được”.

2. Ở Trường Đại học Phan Châu Trinh, ông đã cùng ban giám hiệu nhà trường đưa triết lý giáo dục khai phóng phả vào nội dung giảng dạy với niềm tin “không có học trò kém”. Rằng mỗi người học đều có một khả năng nào đó mà đôi khi chính họ không nhận ra nên chúng ta, người dạy phải đi tìm và khơi gợi khả năng đó và giúp người học tự phát huy hết khả năng tốt nhất của mình. Để phát triển giáo dục khai phóng, ngoài những việc ở tầm vĩ mô, Nguyên Ngọc còn làm những việc nhỏ, rất cụ thể, đôi khi với từng sinh viên.

Một sinh viên muốn làm đề tài khoa học về thiên nhiên trong thơ Đoàn Văn Cừ nhưng lại không có đầy đủ tác phẩm của nhà thơ, ông biết được và trực tiếp liên hệ với gia đình nhà thơ để giúp sinh viên đó có được toàn bộ tác phẩm của Đoàn Văn Cừ. Nguyên Ngọc cũng từng ngồi chép lại cho một sinh viên những trang văn mà ông cho là “hay nhất trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (của Bảo Ninh)”. Và dẫu rất bận nhưng ông sẵn sàng lắng nghe tâm sự cũng như chia sẻ với sinh viên về hướng phát triển của các em.

Mới đây, khi đọc luận văn tốt nghiệp của một sinh viên về đề tài trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, Nguyên Ngọc đã nhận ra tâm hồn yêu trẻ và một tư duy mới mẻ về giáo dục của sinh viên này khi em đề xuất hình thức giảng dạy ở tiểu học nên hướng đến việc tổ chức cho học sinh chơi những trò chơi truyền thống. Nguyên Ngọc đã giới thiệu sinh viên này với nhóm Cánh Buồm để em có thể thực tập sư phạm và tìm hiểu về bộ sách mới mà nhóm đã thực hiện dành cho tiểu học. Và sau 2 tháng trở lại Hội An, sinh viên này đã chủ động đến với những lớp học dành cho trẻ em mồ côi, xung phong đem sách giáo khoa mới ra thực hành. Những chuyện cụ thể như vậy có thể kể ra rất nhiều và hầu hết sinh viên từng được làm việc với Nguyên Ngọc đều tự khám phá những khả năng sẵn có của bản thân và được ảnh hưởng rất lớn từ ông về tư duy.

3.Những khi có dịp tản bộ trong phố, ông thường chỉ cho chúng tôi thấy ngôi nhà cũ của gia đình nay là hiệu sách nhân dân Hội An trên đường Phan Châu Trinh. Ông chỉ tôi ngôi trường Viên Minh ông từng học thời thơ ấu trên đường Nguyễn Thái Học rồi tự nói về bản thân một cách rất tự nhiên, rằng “Mình có được đi học hết tú tài đâu, nói cho đúng, mình bị thất học đấy chứ”. Mười ba tuổi ông rời Hội An khi mới học hai năm phổ thông và thi tú tài bán phần, sau đó ông tự học thêm một bán phần tú tài trong mấy năm sau rồi vào chiến trường đến mãi năm 1975. Cho đến mãi bây giờ, nói theo một cách nào đó ông vẫn chưa học hết tú tài, ông chẳng có một bằng cấp nào ngoài một chứng chỉ chính trị mấy chục năm về trước khi còn trong ngành quân đội.

Tuy chẳng có bằng cấp nào trong tay nhưng ông để lại cho đời rất nhiều công trình lớn nhỏ về văn hóa Tây Nguyên, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về Tây Nguyên. Những năm gắn bó với rừng cùng với hiểu biết về dân tộc học thể hiện trong những công trình về Tây Nguyên, ông đã khiến vùng đất này trở nên sáng rõ. Với Nguyên Ngọc, Tây Nguyên không đơn thuần là địa danh mà là không gian thiêng, nơi ông chọn để đọc hiểu quá khứ cũng như để bình giá hiện tại, và cũng là nơi ông lên tiếng bảo vệ.

Ông bảo, tất cả kiến thức ông có được là do quá trình tự học và tích lũy suốt đời. Quả là tôi chưa thấy ông ngừng học, ngừng tìm tòi một ngày nào cả. Mà dường như chính sự ham học, ham khám phá cũng làm cho con người ông lúc nào cũng trẻ chăng? Không chỉ ham đọc, ham học, ông còn là con người ham công việc. Một việc gì, dù nhỏ, khi đã làm, ông đều dốc hết tâm huyết để tiến hành một cách quyết liệt, tới cùng, đầy tự tin. Ở tuổi ngoại bát tuần, ông vẫn nhìn thế giới với cái nhìn của trẻ thơ, luôn đặt câu hỏi “vì sao”, luôn khám phá tìm tòi những điều mới mẻ và luôn thốt lên “lạ thật” hay “kỳ lạ quá” mỗi ngày.

Ông mê chụp ảnh, chụp ảnh rất đẹp và say mê những vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngày chúng tôi từ Tây Nguyên về Hội An, trời đã gần về chiều và ô tô phải dừng vì sự cố kỹ thuật, trong khi mọi người cùng chuyến xe với ông đều mệt phờ và rệu rã thì kỳ lạ thay, ông - khi đó đã 80 tuổi - vẫn ung dung mang máy ảnh đi chụp hết góc này đến góc khác để ghi lại những vẻ đẹp của rừng lúc hoàng hôn. Mới đây, khi chúng tôi lên kế hoạch tổ chức một lớp đào tạo ngắn hạn về cách làm clip dành cho sinh viên, ông bảo: cho mình học với nhé. Vậy đấy, ông luôn khao khát học, học rất nhiều lĩnh vực. Và có lẽ đây cũng là một điều làm cho ông luôn mới mẻ chăng?

Bạn bè cùng thời gọi ông là một cuốn tiểu thuyết mà chương nào cũng lớn, chương nào cũng hay. Còn tôi, tôi thấy ông rất lạ, lúc nào cũng mới mẻ, tinh khôi trong mỗi câu nói, mỗi công việc thường ngày, trong những công trình lớn nhỏ khác nhau. Và thật kỳ lạ, tôi luôn nhớ ông, ngay cả khi ông ở rất gần, nhớ ông như nhớ về thuở ấu thơ của mình mỗi khi phát hiện ra một điều (với mình là) kỳ thú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét