SH - HLV Lê Thụy Hải nói khá nhiều về HLV Miura, nhưng nhìn chung ông có vẻ như… chẳng hiểu gì về thầy Nhật!
“Chả” có gì mà cứ được… tung hô
Ông Lê Thụy Hải tính đến nay đã có 3 chức vô địch V-League, 2 lần Á quân sân chơi này và được coi là chiến lược gia giàu thành tích nhất Việt Nam.
So với ông Hải, ông Miura chẳng là gì. Vì khi ở Nhật, HLV này chỉ dẫn dắt các đội làng nhàng, thành tích tốt lắm cũng chỉ là thăng hạng lên chơi J-League.
Sang Việt Nam công tác cũng đã hơn 1 năm, ông Miura cũng chưa ẵm được danh hiệu nào, thể hiện trực tiếp bằng giấy khen, hay một chiếc huy chương…
Ấy thế nhưng trong khi ông Hải “lơ” nhiều năm qua liên tục bị NHM “ném đá”, thì HLV Miura lại được tung hô như một vị “thánh sống”.
“HLV Miura của ĐTQG và Olympic Việt Nam đã bao giờ cầm quân một đội bóng của Nhật tham dự AFC Champions League đâu?
Các đội do ông này huấn luyện chỉ là vài đội làng nhàng, chẳng có thành tích gì cả” – Ông Hải lơ phàn nàn mà vẫn chẳng hiểu vì sao Miura được yêu thích đến thế!
Rèn luyện thể lực
Nhiều NHM, nhiều chuyên gia đánh giá cao cách rèn luyện thể lực của HLV Miura và ca ngợi chiến lược gia này đã nâng tầm bóng đá nước nhà.
Nhưng với ông Lê Thụy Hải, GĐKT của B. Bình Dương vẫn “chẳng hiểu tiến bộ ở đâu?”
“Tại AFF Cup thì cũng ta đã vào được đến đâu. Thể lực chúng ta cũng hơn được đội nào? Ông Calisto vô địch AFF Cup thì so với đội ấy, đội nào thể lực tốt hơn?
Ai cũng nói nhờ ông Miura thể lực tốt hơn, nhưng tốt hơn ở điểm nào? Trận Bán kết đá với Malaysia tại Mỹ Đình tranh chấp bóng toàn thua, thì sức mạnh, thể lực tốt ở đâu?
Giáo án của HLV Miura như thế nào tôi không biết, các nhà báo khen đó là các bài tập mới, như nhảy dây chẳng hạn.
Nhưng các bài đó, 40 năm trước chúng tôi cũng đều đã tập rồi. Năm nay lên tuyển nhiều người không theo được, chấn thương nhiều, đó là 1 phần thôi.
Còn sau thời gian dài đá giải, ăn Tết rồi tập trung lại, tập luyện cường độ mạnh rất dễ chấn thương chứ không hẳn vì các em ấy yếu”.
Mặc kệ ông Hải lơ chê, Miura vẫn cứ làm. Quả là rất khó để so sánh thể lực cầu thủ Việt với chính những đàn anh trong quá khứ.
Chỉ biết trước đây Việt Nam đá với nước ngoài, nhiều khi tới phút 60, 70 đã thở dốc không chạy nổi.
Còn trước U23 Malaysia, khi đối thủ … chuột rút la liệt về cuối trận, học trò Miura vẫn đá rất “ngon lành”…
Chiến thuật
Nếu nói về mặt chuyên môn, rõ ràng không ai có thể chê được kiến thức, khả năng của HLV Lê Thụy Hải.
Ấy thế nhưng khi nhận định về chiến thuật của HLV Miura, ông Hải “lơ” lại chia sẻ… chẳng hiểu gì.
Thực ra thì không phải ông Hải không hiểu, mà chính xác là ông đang chê chiến thuật của HLV Miura… rối tung rối mù và chẳng rõ ràng chút nào.
Nhưng chắc chắn có một điều ông không thực sự hiểu: Tại sao cái chiến thuật ấy lại thành công ở vòng loại U23 châu Á?
Ví dụ như ở trận U23 Việt Nam thắng đậm Macau 7-0. Ông Hải lơ nói trận đó chẳng có chiến thuật gì đáng kể, chỉ là chuyền dài từ dưới lên.
Trong khi đó, có cầu thủ U23 Việt Nam chia sẻ:
“HLV Miura chỉ đạo dùng bóng bổng, bóng dài vì mặt sân quá ướt và lầy”.
Hoặc ở trận gặp Malaysia, ông Hải cũng không coi trọng chiến thuật của thầy Miura. Nhưng thực tế U23 Việt Nam đã chơi phòng ngự phản công rất tốt.
Một điểm nhấn nữa trong khả năng chiến thuật của HLV Miura đó là trong 3 trận vòng loại U23 châu Á, ông dùng 3 chiến thuật khác nhau:
Phòng ngự phản công (Malaysia), phòng ngự chủ động (Nhật Bản)và tấn công áp đặt (Macau).
Dù biến hóa như thế trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng nhìn chung ông Miura đều đạt được toan tính của mình.
Đó chắc chắn là điều ông Hải không thể hiểu, khi chê trách HLV người Nhật!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét