Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Giám đốc công an Nghệ An: 'Không cần bảo vệ đặc biệt với lãnh đạo cấp tỉnh'

Hoàng Thùy

VNExp - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cảnh vệ là biện pháp đặc biệt để bảo vệ yếu nhân, không nên mở rộng thêm cho lãnh đạo cấp tỉnh.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban quốc phòng và an ninh, thời gian qua khi góp ý vào dự thảo Luật cảnh vệ, nhiều địa phương đã viện dẫn việc nổ súng vào lãnh đạo ở một tỉnh để đề nghị chủ tịch, bí thư cũng nằm trong diện được bảo vệ đặc biệt.

Trước đề xuất trên, ngày 8/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng: "Cảnh vệ là biện pháp đặc biệt để bảo vệ các yếu nhân, do vậy mở rộng thêm đối tượng đến lãnh đạo cấp tỉnh là không đúng".

Theo ông, "đến giai đoạn nào đó, lãnh đạo không cần ai bảo vệ mới là văn minh, còn đi ra mà lúc nào cũng cần người bảo vệ mình thì có nghĩa là không an toàn".

Lãnh đạo Công an Nghệ An nhấn mạnh, dự thảo Luật cảnh vệ hiện đã nêu rõ các trường hợp được bảo vệ đặc biệt, và quy định như vậy là phù hợp với thực tế, không nên mở rộng thêm vì "rất tốn kém". Thậm chí nếu được thì Ban soạn thảo dự án Luật này nên nghiên cứu giảm bớt đối tượng được cảnh vệ.

Ông cho rằng, vụ việc vừa qua như lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị bắn tại phòng làm việc "chỉ là hi hữu", không thể lấy một trường hợp đơn lẻ mà đưa ra quy định cho tổng thể của quốc gia. 

"Bản thân tôi đã rất nhiều lần đi bảo vệ các đối tượng A1, có những người không muốn xuất hiện ồn ào, không thích trống giong cờ mở, chỉ cần làm việc hiệu quả, chất lượng. Dân mình rất tốt, không ai làm gì đâu", ông Cầu nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho rằng, lãnh đạo ở địa phương phải là người gần gũi cơ sở thì mới được dân yêu quý.

"Dù lãnh đạo tốt hay xấu, người dân cũng không bao giờ manh động. Các đối tượng tìm cách tiếp cận lãnh đạo địa phương để gây ra những hành vi mất an toàn phần lớn là do thù hằn cá nhân hoặc do bất mãn", ông Vân nói và cho rằng, nếu lãnh đạo làm việc công tâm, vì dân thì "chính người dân là những cảnh vệ tốt nhất".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng không đồng tình với đề nghị bổ sung bí thư, chủ tịch tỉnh vào đối tượng có cảnh vệ. "Nếu xếp lãnh đạo địa phương vào đối tượng cảnh vệ thì tức là ngang hàng với những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, như vậy không hợp lý", ông nói.
***

Theo dự thảo Luật, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. 

Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu...

Đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét