Dân Trí - Trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc vào ngày 22/5 tới, trong các cuộc tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội, một câu hỏi được nhiều cử tri tiếp tục được đặt ra: Bao giờ bắt giữ, dẫn độ được các nghi can trong các vụ việc có dấu hiệu làm trái tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy...về nước?
Cụ thể, tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình), cử tri Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình) nêu câu hỏi: "Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Trung Dũng khi phát hiện vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài. Vậy liệu có người nào đó đã bố trí cho họ bỏ trốn không?. Chúng tôi rất muốn biết là đến giờ đã bắt được những người nay chưa?"
Mặc dù tại cuộc họp này, câu hỏi trên chưa được trả lời cụ thể nhưng thực tế, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn đang tích cực điều tra mở rộng các vụ án kinh tế liên quan đến các đối tượng trên. Trong một động thái mới nhất, ông Đỗ Văn Hồng, nguyên Tổng giám đốc Công ty PVC-Kinh Bắc (trước đây thuộc PVC)- một nghi can được cho là có liên quan đến nghi an Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Đáng chú ý, ông Hồng cũng là người tổ chức, bán khu đất trên 3400 m2 trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho Công ty TNHH Mai Phương do ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ của ông Trịnh Xuân Thanh đứng tên là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty để xây dựng tại đây một biệt thự lớn. Sau khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, biệt thự này có dấu hiệu được rao bán để tẩu tán tài sản nhưng hiện đã bị đình chỉ, phong toả giao dịch.
Trao đổi với Dân trí, một cán bộ lãnh đạo của Bộ Công Thương cho biết, hiện Bộ này cũng không nắm rõ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn theo con đường nào. "Chúng tôi được biết, có thời điểm, ông Thanh còn ở Thổ Nhĩ Kỳ", ông này cho biết.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật tích cực điều tra, khởi tố 11 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVC. Trong đó riêng Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố về cả 2 tội.
Trong thông báo sau cuộc họp này cũng đã nêu ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư: “Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”.
Tuy nhiên, cũng có một số thông tin cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn sang Đức. Về điều này, một cựu cán bộ ngoại giao cho Dân trí biết, nếu ông Thanh trốn sang Đức thì Cộng hòa Liên bang Đức đã có hiệp định về tương trợ tư pháp với Việt Nam nhưng Hiệp định này hiện không còn hiệu lực. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, "Đức vẫn có thể dẫn độ nghi can cho Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, không cần hiệp định".
Các nghi vấn về những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh trong thời kỳ ông này làm Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), gây thua lỗ trên 3500 tỷ đồng được đặt ra đầu tháng 6/2016, báo chí thông tin về việc Phó chủ tịch Hậu Giang được đưa đón bằng xe tư nhân Lexus LX570 trị giá hơn 5 tỷ đồng, nhưng gắn biển xanh. Từ vụ việc này, cơ quan chức năng, báo chí đi sâu hơn về thời kỳ ông này làm quản lý ở PVC, được luân chuyển và liên tục được bổ nhiệm, luân chuyển lên các chức vụ cao ở Bộ Công Thương rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Các nghi can khác hiện cũng đang bị truy nã như Vũ Đình Duy - nguyên thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), nguyên Tổng giám đốc PVTex và ông Lê Trung Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PV Power- trước đó là Phó Tổng giám đốc PVC cũng chưa rõ tung tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét