VNExp - Mũ kippah, hay còn gọi là chiếc mũ Sợ Chúa, được coi là biểu tượng của sự sùng đạo và tôn kính Chúa Trời của người Do Thái.
Ông Donald Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Bức tường phía Tây (Bức tường Than khóc) ở thành cổ Jerusalem nơi người Do Thái mộ đạo vẫn ngày ngày tới nguyện cầu.
Trong chuyến viếng thăm, Tổng thống Trump đội chiếc mũ kippah của người Do Thái. Theo truyền thống, đàn ông Do Thái phải đội chiếc mũ này mỗi khi cầu nguyện, nghe giảng kinh, hoặc tham dự các buổi lễ quan trọng.
Mũ kippah, hay còn gọi là chiếc mũ Sợ Chúa, được coi là biểu tượng của sự sùng đạo và tôn kính Chúa Trời. Người Do Thái cho rằng chiếc mũ sẽ là vật bảo vệ sự tinh khiết và linh thiêng của Chúa khỏi sự trần tục của con người .
Rất nhiều người Do Thái đội kippah như là một cách tuyên bố đầy tự hào về nguồn gốc dân tộc của mình.
Đi cùng với Tổng thống đến Bức tường Phía Tây ở Jerusalem, còn có con rể Jared Kushner, là một người gốc Do Thái. Cả ông Trump và con rể đều đội chiếc mũ đen kippah truyền thống để thể hiện sự tôn trọng.
"Ông Trump nói rằng ông ấy hiểu được tầm quan trọng của Bức tường phía Tây đối với người dân Do Thái và đó là lý do tại sao ông quyết định tới thăm nơi này trong chuyến công du đầu tiên tới Israel. Ông ấy đã rất cảm động", Reuters dẫn lời thầy tu Do Thái giáo tháp tùng chuyến đi cho biết.
Nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump.
Chưa một tổng thống Mỹ tiền nhiệm nào có hành động tương tự.
Vào năm 2008, Barack Obama đến thăm Bức tường phía Tây nhưng lúc đó ông mới chỉ là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Khi chính thức trở thành tổng thống, ông Obama, trong chuyến thăm Israel năm 2013, đã không tới Bức tường phía Tây.
Sau khi Liên Hợp Quốc quyết định chia khu vực này thành hai phần: một cho nhà nước Do Thái và một phần cho nhà nước Arab vào năm 1947, chưa bao giờ quốc tế công nhận thành cổ Jerusalem thuộc về quyền sở hữu của nhà nước Do Thái Israel.
Thành cổ Jerusalem được chia làm bốn khu chính: khu của người Hồi giáo, khu của người Cơ Đốc giáo, khu của người Do Thái và khu của người Armenia.
Trong khu của người Do Thái, có Bức tường Than khóc nổi tiếng, phần còn sót lại của ngôi đền thiêng của đạo Do Thái đã bị đế chế La Mã phá hủy vào năm 70 sau Công nguyên.
Khu của người Cơ Đốc là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá và phục sinh. Khu của người Hồi giáo còn đó nhà thờ Al- Aqsa chứa Vòm đá, nơi theo truyền thuyết nhà tiên tri Mohammed đã giẫm vào để bay lên trời nhận những lời khải huyền của Thượng đế.
Mảnh đất thánh thiêng này nơi khai sinh ra Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo cũng là mảnh đất quan trọng đối với người Hồi giáo chỉ sau thánh địa Mecca và Medina.
Do vậy, không một tín đồ tôn giáo nào muốn mảnh đất này trong quyền kiểm soát của một tôn giáo khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét