Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Thiếu kinh phí, Hội Nhà văn tính lấy trụ sở làm khách sạn

V.V.TUÂN

TTO - Đó là khẳng định của ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại Hội nghị văn học 2016 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 16-12.

Khó khăn đầu tiên mà ông Thỉnh đưa ra là thông thường mỗi nhiệm kỳ năm năm các hội văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỉ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4,8 tỉ đồng.

Nhưng năm nay Hội Nhà văn chỉ nhận được một nửa số tiền là 2,4 tỉ đồng và đã phải chi ra 2/3 số tiền đó để trả nợ cho báo Văn Nghệ, tạp chí Thơ, Hồn Việt... (mỗi số ra của mỗi đầu báo, Hội Nhà văn đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình).

Vì chưa đủ tiền nên hiện Hội Nhà văn vẫn còn nợ lại một số đơn vị tiền mua báo từ đầu năm đến nay.

“Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội nhấn nút thông qua Luật về hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào bởi khi đó Hội Nhà văn cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa?

Nếu chúng ta không được cấp kinh phí, không có trụ sở, tự đóng góp hội phí mà nuôi nhau thì Hội Nhà văn sẽ chỉ còn con đường tan rã mà thôi. Vì số tiền hội phí thu từ 1.000 người trong Hội Nhà văn mỗi năm chưa được 6 triệu đồng, chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma!” - ông Thỉnh than.

Vì vậy theo ông Thỉnh, nếu Nhà nước khó khăn không cấp kinh phí nữa thì Hội Nhà văn sẽ tính đến phương án liên kết với doanh nghiệp phá bỏ hoàn toàn trụ sở hiện nay (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) để xây nhà hàng, khách sạn.

Nhưng phương án này đang gặp khó vì các đối tác không mặn mà nên có thể Hội Nhà văn sẽ dồn tất cả các cơ quan thuộc đơn vị mình về trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu để dành khu đất 65 Nguyễn Du (nay đang là trụ sở NXB Hội Nhà văn) để cho thuê.

Ông Thỉnh cũng cho biết sắp tới Hội Nhà văn sẽ xin ý kiến để tổ chức hội nghị hòa hợp văn học dân tộc với sự tham gia của các nhà văn trong nước và sự trở về của các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài. “Cho đến nay, việc hòa hợp dân tộc trong lĩnh vực văn nghệ vẫn dè dặt và lạc hậu nhất so với các lĩnh vực khác”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét