Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

Âu lo trước ngày bầu cử, người Mỹ tìm mua súng

Hồng Hạnh

VNExp - Nhiều người Mỹ tỏ ý muốn mua súng hay bàn luận xem nơi nào cần tránh xa hoặc phải chú ý không nên trò chuyện với người nào trước ngày bầu cử.

Trước thềm cuộc bầu cử ngày mai, nhiều người Mỹ tỏ ra e ngại. Họ muốn mua súng để bảo vệ bản thân nếu gặp rắc rối, bàn xem nên tránh xa chỗ nào và không nên nói chuyện với người nào. Những cuộc trò chuyện thường ngày bỗng trở nên nhạy cảm, dễ gây mất hòa khí, theo Washington Post.

Mới 8 năm trước, khi hàng triệu người Mỹ đổ ra đường phố ăn mừng tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử thì nay, sự lạc quan ấy dường như biến mất, thay thế bằng cảm giác âu lo nặng nề.

Nhiều người Mỹ cho rằng các ứng viên tổng thống năm nay khiến họ khó mà lạc quan được. Một ứng viên tuyên bố tình hình nước Mỹ quá tệ hại mà chỉ có ông mới làm nước Mỹ tốt hơn. Người khác lại nói rằng người dân cần đoàn kết để mạnh mẽ hơn, nhưng cả hai đều không chiếm được cảm tình tuyệt đối của đa số người dân. Không ai đưa ra đảm bảo về một tương lai an toàn hơn, hạnh phúc hơn. 

Malinda Powers mở lò nướng, mùi táo thơm bay ra. Cô kiểm tra chiếc bánh cẩn thận. Powers năm nay 19 tuổi, luôn mơ ước mở một tiệm bánh. Cô lo lắng cả Trump và Clinton đều sẽ gây trở ngại.

Powers muốn tự kinh doanh và hy vọng bố mẹ giúp đỡ để được theo học về nghiên cứu ẩm thực tại đại học Newburry, thành phố Brookline, bang Massachusetts. Tuy nhiên, hai người đang cãi nhau về quan điểm chính trị kịch liệt tới nỗi, Powers cho rằng họ sẽ chia tay nhau và ảnh hưởng tới kế hoạch mở tiệm bánh của mình.

Bố cô là người Mỹ gốc Ireland. Mẹ là người nhập cư gốc Cabo Verde, một đảo quốc Tây Phi. Họ gặp và yêu nhau nhờ chung niềm đam mê súng ống. Cuộc bầu cử đã tạo khoảng cách giữa hai người.

"Bố tôi ủng hộ Trump, mẹ thì ủng hộ Clinton", Powers nói. "Bố tôi suốt ngày nói đùa về chuyện bầu cử, còn mẹ tôi thì không thấy chuyện đó đáng đùa tí nào. Trump khinh thường mọi công việc mẹ tôi từng làm".

Những phát ngôn mang tính kỳ thị chủng tộc và chống người nhập cư của Trump làm mẹ của Powers phiền lòng. Bà nhiều lần dọa sẽ bỏ về Cabo Verde nếu Trump đắc cử.

"Bố tôi rõ ràng không muốn rời bỏ mấy ông bạn thích chơi xe Harley Davidson mà tới một đất nước xa lạ", Powers nói .

Cuộc tranh cử năm nay cũng chia cách Powers và các bạn ở trường cấp ba Blue Hill. Đa số bạn bè cô là người da trắng mà đa số ủng hộ Trump. 

"Những người bạn da trắng của tôi thường nói về các chủng tộc khác và người nhập cư bằng những từ ngữ không lấy làm hay ho", Powers kể. 

Cô gái 19 tuổi vẫn lạc quan về tương lai, bất kể ai thắng cử, cô vẫn sẽ chăm chỉ làm việc để thực hiện ước mơ. Powers vẫn tin rằng Mỹ là đất nước tuyệt vời nhất thế giới, nhưng cô cảm nhận được "chúng tôi có thể cười nói vui vẻ và lái xe đi khắp nơi nhưng cuối ngày, tôi vẫn cảm thấy xa cách bởi xét cho cùng, chúng tôi không giống nhau. Tôi khác hẳn họ".

Lạc quan, đặc tính của người Mỹ, đã giảm xuống. Theo cuộc thăm dò do ABC News và Washington Post tiến hành trước mùa bầu cử, chỉ 42% người Mỹ lạc quan về năm tới, con số thấp nhất kể từ năm 2004 tới nay, sau cuộc bầu cử tổng thống kể từ sự kiện khủng bố 11/9.

Sheila Rushing, 67 tuổi, người từng làm việc trong bảo tàng lịch sử người Mỹ gốc Phi và từng đi gõ cửa từng nhà để vận động cho tổng thống da màu đầu tiên, nay lại tiếp tục vận động cho Hillary Clinton.

"Tôi cảm thấy rất tuyệt", bà nói. "Tôi lúc nào cũng hân hoan và vui sướng. Hân hoan vì Chúa đánh thức tôi dậy mỗi ngày".

Bà Rushing giống như nhiều cử tri  khác ở Detroit, cảm thấy bị xúc phạm khi Trump tuyên bố người Mỹ da đen đang sống trong "địa ngục". 8 năm qua không phải địa ngục với bà Rushing. Bà đã nuôi dưỡng cháu trai Armando sau khi con trai bà qua đời lúc cậu bé mới 14 tuổi. Armando nay 26 tuổi, tốt nghiệp trường luật và đang đi làm. Rushing rất tự hào về cháu trai và cảm ơn chương trình trợ cấp Pell của Obama, nhờ nó mà bà vay được tiền cho cháu đi học.

Bà để tờ rơi lại trước cổng từng nhà, trên đó in ảnh Clinton và Obama đang say sưa trò chuyện trong phòng Bầu dục kèm dòng chữ "hãy bảo vệ di sản của ông ấy".

Gần một nửa người Mỹ (45%) trong cuộc thăm dò của Washington Post hồi tháng 9, cho rằng nước Mỹ nay "ít vĩ đại hơn" so với quá khứ. 37% đánh giá nó vẫn như cũ còn 16% cho rằng nước Mỹ "vĩ đại hơn". Phần lớn ý kiến cho rằng nước Mỹ ít vĩ đại hơn thuộc về những người ủng hộ Trump (77%), so với 21% của Clinton. 

Tony Kadlcek là người gốc Czech,  lần đầu đến Mỹ năm 1990 theo lời mời của chú ở Chicago và quen biết người vợ tương lai ở đó. Năm sau, ông di cư sang Mỹ để lấy vợ. Ông làm việc trong doanh nghiệp gia đình nhà vợ cho tới nay.

Tuy nhiên, 12 năm trước, hai người chuyển từ Chicago tới Lisle, một vùng ngoại ô phía tây nam thành phố vì nạn tham nhũng và tội phạm tăng cao. Kadlcek cho biết khi lái xe tới Chicago, ông luôn cảm thấy bất an khi nhìn vào những tòa nhà đổ nát và lo ngại về nạn tội phạm.

"Có hôm một ngày xảy ra tới 17 vụ giết người", ông nói. "Obama hứa hẹn người dân sẽ đoàn kết hơn nhưng có vẻ ông ấy lại là người chia cách chúng tôi. Người dân ghét cảnh sát, người da trắng và người da đen sống xa cách hơn".

Kadlcek năm nay 47 tuổi, có 4 con, kinh tế khá giả, có nhà riêng và một tòa 6 căn hộ cho thuê. Tuy nhiên, giá trị tòa nhà vẫn chưa hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế và ông đổ lỗi phần nào cho Obama. Ông và vợ, một thư ký pháp lý, chán nản với các hóa đơn thuế cao, nợ nần, tham nhũng và nhập cư bất hợp pháp. Họ định sẽ chuyển tới Wisconsin hay Indiana sống khi con cái vào đại học.

Thất vọng về chuyện đang xảy ra trên đất nước, ông đã "mua một khẩu súng đắt tiền để nếu Hillary đắc cử, tôi sẽ được đảm bảo hơn". Ông thích khẩu hiệu tranh cử "Làm nước Mỹ hùng mạnh lần nữa" của Trump vì thừa nhận đất nước đang tụt dốc.

Tuy nhiên, Kadlcek không công khai ủng hộ Trum, cũng như Clinton. "Nếu dán hình Trump hoặc Hillary lên xe, người ta sẽ cào xước ngay".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét