Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

"Nghẹt thở" với bức ảnh dự giờ… nặng hơn ngàn tấn

Lê Đăng Đạt

Dân Trí - Một học sinh nữ đứng rúm người phát biểu giữa lớp. Trong lớp học lúc này không chỉ có bạn bè, giáo viên như mọi ngày mà có ít nhất 14 “khách mời” tham gia dự giờ tiết học.

Đó là nội dung của bức ảnh chụp lại tiết dự giờ tại một lớp học được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Trong bức ảnh này, đại biểu đến dự giờ lớp học xuất hiện trực diện, ít nhất là 14 người đứng kín một phía của lớp học tay cầm sổ, cầm bút theo dõi giờ dạy học của thầy và trò.

Chưa rõ bức ảnh này chụp lại giờ thao giảng, dự giờ tại lớp, trường học nào nhưng nhìn vào bức ảnh, người xem đã đủ ngạt thở như thể ngàn tấn đang đè nặng lên người. “Người trong cuộc” là giáo viên đứng lớp và học sinh… chắc chắn còn áp lực hơn gấp bội khi dạy học dưới ánh mắt theo dõi cùng lúc của các nhà quản lý, chuyên môn.

Nhiều người bày tỏ ý kiến, không hiểu thầy và trò làm sao có thể “thở nổi” trong khung cảnh này chứ đừng nói là có thể thăng hoa trong dạy học. Nhất là tâm lý ở ta, “cấp dưới” rất ngại thể hiện mình, thiếu tự nhiên khi có mặt của “cấp trên”.

Cô học trò nhỏ thó đứng giữa lớp phát biểu, không phải ở một tâm thế của người trả lời, thuyết trình tự tin giữa đám đông mà là sự khép nép, ngại ngần khi “được gọi tên”.

Rất nhiều chữ “Tội nghiệp” được mọi người bày tỏ khi nhìn vào bức ảnh. Nhiều người cũng đặt tên cho bức ảnh là “Áp lực học đường”.

Tâm trạng của thầy trò trong bức ảnh được thể hiện qua phần hỏi – đáp mà cộng đồng tưởng tượng ra: “Trò hãy cho cô biết: Áp lực do đâu mà có?

- Thưa cô, áp lực không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, mà nó được chuyền từ Bộ, xuống Sở, xuống nhà trường, qua các thầy cô và xuống từng học sinh ạ!”.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là chuyện bình thường ở các tiết dự giờ, thao giảng ở Việt Nam. Thầy trò cũng đã lường trước, có chăng chỉ “diễn” chưa thật đạt mà còn có phần gượng gạo.

Tuệ An, một bạn đọc bày tỏ, thật ra người trong cuộc chưa chắc đã áp lực như người xem ảnh. Thường thì những tiết học như thế này, giáo viên và học sinh đã được báo trước, được chuẩn bị kỹ lưỡng, các em học sinh được chọn phát biểu thường cũng là học sinh “cứng”.

Còn việc thầy cô, các nhà quản lý xuất hiện đông có thể là do chúng ta có thói quen đi đâu cũng rầm rộ, tiếp đón. Ở Sở hay ở Phòng xuống thao giảng, dự giờ thì nào là dàn lãnh đạo nhà trường, rồi giáo viên bộ môn… nhiệt tình dẫn xuống lớp.

Dự giờ, thao giảng là hoạt động giáo dục nhằm kiểm tra đánh giá giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, từ lâu hoạt động này đã nghe nhiều “phàn nàn” còn hình thức, đối phó của cả người đi kiểm tra lẫn người bị kiểm tra, gây áp lực không đáng có cho giáo viên và học sinh.

Nói như một nhà nghiên cứu giáo dục ở TPHCM, giáo viên Việt không chỉ bị gò bó trong dạy học, thiếu quyền tự chủ mà ngay cả việc giơ cánh tay, bước chân, hay đi xuống bục giảng tương tác với học sinh… cũng có thể bị “chấn chỉnh” chưa đúng tác phong sau các tiết dự giờ, thao giảng.

Bức ảnh cùng với phần hỏi - đáp giữa thầy trò mà dân mạng tưởng tượng ra
đã phản ánh áp lực trong môi trường giáo dục hiện nay đối với giáo viên và học sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét