TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải nói rằng công an xã sẽ toát mồ hôi với chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ dự kiến, trong đó có cả hoạt động điều tra hình sự.
Dự án Luật Công an xã vừa được thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-8.
Bắt người, huy động phương tiện
Theo dự thảo luật, công an xã có các chức năng, nhiệm vụ chính như: Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;
Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác trên địa bàn xã; thực hiện công tác quản lý cư trú, căn cước công dân và các giấy tờ đi lại;
Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn xã.
Bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự.
Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền; huy động phương tiện và người sử dụng, điều khiển phương tiện…
Nhưng chỉ cần trình độ tiểu học ?
“Chúng ta quy định chức năng, nhiệm vụ rất lớn nhưng chính danh lại nhỏ. Hiện nay chúng ta đang đô thị hóa nhanh. Công an phường thì đã chính quy rồi, nhưng ở các xã có khu, cụm công nghiệp, đô thị hóa nhanh thì lại chưa chính quy. Với chức năng, nhiệm vụ như vậy mà đưa xuống xã thì đọc toát mồ hôi” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, với những quy định hiện hành thì công an xã chỉ cần trình độ tối thiểu là tiểu học trở lên.
“Đây là lực lượng tiếp xúc với dân nhiều nhất, thường xuyên nhất. Nhiệm vụ như vậy là rất nặng nề, trong đó có hoạt động liên quan đến điều tra ban đầu, lập biên bản, tuần tra giao thông… Họ được trang bị súng, roi điện, dùi cui. Nhưng trình độ đầu vào như vậy thì không tương xứng với chức năng, nhiệm vụ” - bà Nga phân tích.
Vẫn theo bà Nga, hoạt động của công an xã cũng gây ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, trong đó có oan sai…
“Với quy định như vậy, vị trí như vậy thì chúng tôi đề nghị coi đây là lực lượng chính quy” - bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, GS.TS Phan Thanh Bình cũng cho rằng “trình độ tiểu học mà trong chức năng, nhiệm vụ có cả bắt người, lập biên bản, lấy lời khai ban đầu thì rất khó, trong khi đây là việc cực kỳ quan trọng trong tố tụng hình sự”.
Ông Bình đề nghị nên có quy định về trình độ, giới hạn quyền lực để công an xã không lạm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại cho rằng quy định đây là lực lượng vũ trang bán chuyên trách là phù hợp, bởi nếu quy định chuyên trách thì bộ máy cấp xã sẽ phình ra rất lớn (hiện nay cả nước có khoảng 11.000 xã).
Bà Ngân cũng đồng ý phải cân nhắc rất kỹ nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, bởi các quyền hạn này liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.
Dự án luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10 tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét