Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Dương Minh Ngọc ngày ấy giờ ra sao?

KHANG HOÀNG

LĐO - Dương Minh Ngọc là trinh sát săn bắt cướp (SBC) đầu tiên vào sinh ra tử với sự bình yên của người dân Sài Gòn những ngày đầu giải phóng. Anh được xem là ngọn lửa tuổi trẻ, là hình mẫu của bao ước mơ. Nhưng ngọn lửa ấy có lúc đã tắt…

Anh đã vi phạm pháp luật, dính dáng đến tội phạm trong vụ án Năm Cam, bị phạt tù và đã thụ án xong. Giờ anh là một người đàn ông bình thường như bao người đàn ông của gia đình và xã hội, nhưng tên tuổi của anh gắn liền với những vụ án lớn bị triệt phá thì vẫn còn lưu giữ với thời gian. Nghe nói TP.HCM sắp lập lại đội săn bắt cướp, tâm trạng của anh cũng chộn rộn như ngày nào.

Những ngày đen tối

Trong phần trả lời thẩm vấn của các luật sư tại phiên tòa đại án Năm Cam, Dương Minh Ngọc kể, sinh ra trong một gia đình có truyền thống, vào ngành công an từ năm 1975 và công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự. Chỉ 7 năm sau, Ngọc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và được thưởng nhiều huân chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Công an. “Bản thân bị cáo rất xót xa tủi nhục và ân hận. Bị cáo xin được tha lỗi. Bị cáo không còn gì để nói và cũng không thể nói được nữa” – Dương Minh Ngọc trình bày.

Trong quá trình thu thập thông tin về băng nhóm Năm Cam, tướng Nguyễn Việt Thành (anh Tư Bốn) đã phát hiện những dấu hiệu bất thường có liên quan tới những cán bộ nhà nước, trong đó có những bạn bè, đồng nghiệp của ông. Tướng Nguyễn Việt Thành từng rất thích sự mạnh mẽ, trẻ trung của người chiến sĩ công an Dương Minh Ngọc (từng là khắc tinh của bọn tội phạm ở TPHCM những năm sau ngày miền Nam giải phóng). Tướng Thành lớn tuổi hơn Ngọc, ông được xem là “đàn anh” của Ngọc, nhưng trong công việc ông luôn xem Ngọc là người đồng nghiệp có năng lực. Vì vậy khi phát hiện Ngọc có quan hệ thân thiết với Năm Cam, tướng Nguyễn Việt Thành đã hết sức bất ngờ.

Khi chuẩn bị bắt Dương Minh Ngọc, tướng Thành đã gặp và trò chuyện thân mật với vợ chồng anh. Trước tình cảm của ông Tư Bốn, bà Phan Thị An (đảng viên lão thành, mẹ của Dương Minh Ngọc) đã viết thư gửi ông: “Tôi xin lãnh một phần trách nhiệm vì thiếu giáo dục con đến nơi đến chốn, tôi xin nghiêng mình tạ lỗi...”.

Tướng Thành hồi đáp bà Phan Thị An: “...Anh Ngọc từng là đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Cảnh sát và Công an TPHCM, chúng tôi rất hiểu và cảm thông sâu sắc tâm trạng của bác lúc này, cũng như của vợ anh, chị Ngọc. Việc khoan hồng, giảm nhẹ tội cho anh Dương Minh Ngọc - người đã có nhiều thành tích trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trước đây - sẽ được xem xét khi Dương Minh Ngọc ăn năn, thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra...”.

Sau đó, người mẹ đã gửi thư cho con đang bị tạm giam: “Trong những ngày qua, má đã viết đơn gửi Thiếu tướng Nguyễn Việt Thành và đại tá Nguyễn Chí Dũng (Giám đốc Công an TP.HCM lúc bấy giờ). Thiếu tướng đã thay mặt gửi thư trả lời một cách chân tình như những đồng chí, đồng đội trước đây của con (dù con đã bị loại ngũ ngành công an). Điều này đã an ủi má… Hôm nay má mạo muội xin phép Thiếu tướng viết thư này cho con với mong muốn giúp con hiểu được tấm lòng của má và gia đình luôn luôn thương nhớ đến con, rất mong con sáng suốt vượt qua cơn hoạn nạn này mà ăn năn thành khẩn khai báo tội lỗi của mình và dũng cảm tố cáo bọn tội phạm, giúp sức cho cơ quan điều tra, lập công chuộc tội...

Đó là điều mong muốn duy nhất của má và gia đình đối với con. Con hãy vì má và gia đình có truyền thống hơn 60 năm trời đối với nước non, vì vợ và hai con của con mà sáng suốt hành động theo chiều hướng này. Má tin tưởng ở con thật nhiều. Hãy dũng cảm thành khẩn khai báo như con đã dũng cảm săn bắt cướp trong những năm trước đây. Má mong sớm gặp mặt con”. Sau đó, như chúng ta đã biết, Dương Minh Ngọc đã trở nên thành khẩn hơn, giúp công tác điều tra được thuận lợi.

“Tôi đã quên tất cả, giờ thì sống trọn vẹn cho gia đình”

Trong cuộc gặp mới đây Dương Minh Ngọc nói với tôi như vậy, tôi thì thấy Dương Minh Ngọc chỉ theo dòng thời gian già đi chứ phong cách vẫn như cũ.

Nhưng Dương Minh Ngọc trở nên phấn khích khi đọc dòng tin trên điện thoại về việc TP.HCM sẽ tái thành lập đội Săn bắt cướp (SBC). Anh hào hứng nhớ lại:

- Thời điểm đó cứ 3, 4 giờ sáng là đội SBC xuất phát trên xe Honda 67, mỗi xe hai trinh sát, người cầm lái, người giữ súng và tỏa đi khắp thành phố. Những người dân buôn bán buổi sáng sớm và người tập thể dục trên đường Trần Hưng Đạo vẫy tay chào anh em như lời nhắn gửi chốc nữa phải quay về bình an. Nhưng anh em SBC không chắc điều đó. Đây có thể là chuyến công tác cuối cùng. Có trinh sát SBC đã bị tội phạm bắn chết.

Cuộc sống hết sức khó khăn lúc đó không ngăn được ngọn lửa lý tưởng trong chúng tôi. Lý tưởng đó là giữ bình yên cho người dân.

Tôi nhớ bí thư Đoàn thanh niên Công an TP.HCM (lúc đó còn mang tên Công an Sài Gòn Gia Định) Trần Cường, cuộc họp nào cũng nhắc anh em về lý tưởng.

Lương 28 đồng, đóng tiền ăn gần 20 đồng, còn lại là sinh hoạt phí nhưng đời lính vẫn rất vui. Buổi sáng ăn bo bo, trưa bánh ướt, chiều tối mì vụn…nhưng lòng ai cũng phơi phới chẳng lo lắng gì.

Có lần thấy tôi 5 tháng không về nhà, má tôi cho người lên phòng Hình sự hỏi “thằng 6 Ngọc còn sống hay đã chết?”.

Đội SBC có 12 xe Honda 67, súng ống đầy đủ, anh em bắt buộc phải giỏi võ, điều khiển được phương tiện giao thông như cướp và bắn đâu trúng đó. Xuất phát về trình độ của anh em rất thấp, khi tôi vào ngành 1975 được cái tú tài (12/12) còn anh em thì có người học đến lớp 2 lớp 3. Bởi vậy, bắt cướp thì giỏi nhưng có anh em “bị điều” đi hỏi cung thì sợ lắm. Không biết hỏi cái gì, chữ nghĩa không rành làm sao viết được bản cung, sợ cướp đọc được nó cười.

Nhưng cái làm nên sức mạnh của SBC chính là lý tưởng vì bình yên cho người dân và chúng tôi may mắn được rèn luyện bởi những người công an xuất sắc về nghiệp vụ như đại tướng Mai Chí Thọ, tướng Trịnh Thanh Thiệp, anh Võ Tấn Thành, anh Phan Thanh…

Lúc đó SBC có kho tàng vô giá là thông tin từ người dân và đặc tình, gọi là cơ sở cho dễ hiểu. Hầu như tất cả băng nhóm tội phạm nguy hiểm SBC đều có hồ sơ và nguồn tin.

Luật pháp lúc đó cũng chưa có nhiều ràng buộc về tố tụng và thẩm quyền nên SBC “cấy người” rất sâu vào các băng tội phạm và rút ra khi phá án.

Bản thân tôi cũng “cấy” vào những băng nhóm nguy hiểm và mang súng đến công an đầu thú trước khi SBC phá án.

Người dân thương SBC lắm và sẵn sàng tha thứ cho những sai lầm không cố ý của SBC. Như tôi có lần tưởng đã mất hết khi bắn một tên cướp quả tang trên đường Lý Thái tổ, viên đạn trúng tên cướp ghim xuống đường rồi bắn ngược lên gây thương tích cho một em bé.

Gia đình đã bãi nại còn cám ơn, thăm hỏi và động viên tôi vì đã bắt được tên cướp nguy hiểm.

Nếu câu chuyện đó xảy ra hôm nay không hiểu người dân có còn bao dung, mở lòng tha thứ cho công an như xưa không?

Nói kiểu nào đó, SBC đã hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1977, thành lập SBC là để trấn áp các tội phạm có vũ trang có nguồn gốc là tội phạm trước 1975 kết hợp với tội phạm mới. Nó không phức tạp như hoàn cảnh hiện nay về tội phạm mà anh em công an phải đối mặt.

Chúng tôi không điều tra hình sự thông thường như hiện nay, tức là nhằm để điều chỉnh hành vi công dân mà là trấn áp tội phạm nguy hiểm và ngược lại tội phạm cũng coi SBC là kẻ thù cần trực tiếp bắn giết. Đó là một cuộc chiến vũ trang.

SBC đã phá hàng trăm băng nhóm tội phạm nguy hiểm như vụ Phú Salem, Hạnh Bòn Bon, băng cướp ngân hàng, băng giết người cưỡng hiếp đốt xác, vụ bắc cóc con bác sĩ Lã Hỹ, con nghệ sĩ Kim cương, sát hại nghệ sĩ Thanh Nga…Đó là những cuộc truy đuổi một mất một còn, những pha đấu súng khét lẹt và máu đồng đội chảy mỗi ngày.Tôi đã bị tai nạn trên đường bắt cướp trên 50, 60 lần và anh em cũng vậy.

Lần rượt đuổi dài nhất là từ ngã tư Phú Nhuận đến đường Bến Vân Đồn Quận 4 tôi mới bắn hạ và khống chế được tướng cướp Hạnh Bòn Bon. Nhưng tôi không nói là SBC năm xưa tinh nhuệ hơn, giỏi hơn và gặp nguy hiểm nhiều hơn. Chính SBC bây giờ mới khó khăn và nguy hiểm hơn, khó hoàn thành nhiệm vụ hơn.

Những trinh sát SBC năm xưa giờ đã thành những người già nhưng ai cũng vui mừng khi nghe có chủ trương tái lập lại SBC. Anh em hiểu những thuận lợi và khó khăn mới của SBC mới. Phải nói rằng cảnh sát hình sự hiện nay trình độ văn hóa, nghiệp vụ đều cao hơn hẳn SBC năm xưa, điều kiện đời sống cá nhân và phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng sẽ làm cho việc điều tra thuận lợi hơn.

Khó khăn cũng không ít. Khung pháp luật tố tụng hình sự gần như hoàn chỉnh không cho phép SBC tung hoành như xưa, tội phạm cũng phức tạp hơn. Như tôi nói ở trên, tội phạm ngày xưa mang tính cục bộ dễ nhận dạng. Đơn cử như gần 20 năm, đến đầu nhưng năm 1990 mới có những nghi can hình sự là học sinh như băng cướp áo trắng Đỗ Hồng Lê…Còn hiện nay thành phần nghi phạm đa dạng, khó nhận diện nhưng công tác xây dựng cơ sở thì khó khăn vì cơ sở bất hợp tác sợ phải ra tòa và ở tù vì luật mới không cho phép những hành vi như vậy.

Người dân cũng đòi hỏi cao hơn đối với công an và liệu rằng họ có tha thứ cho SBC khi xảy ra tình huống như trên tôi đã nêu…?

Khung pháp luật cũng đòi hỏi và điều chỉnh hành vi SBC gắt gao hơn.

Nhưng tôi tin rằng dù hoàn cảnh khác nhau, tên gọi gì cũng được nhưng nếu mục tiêu là vì sự bình yên cho người và lý tưởng của người công an thì SBC mới sẽ hoạt động hiệu quả và xuất sắc hơn SBC năm xưa.

Ai cũng có những chương buồn trong cuộc đời, đối với tôi và nhiều anh em đó là những điều cần quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét