VNN - “Trong nhà tôi, những từ như dở hơi là cách thể hiện tình cảm. Gọi như thế mới là yêu nhau. Người ngoài nhìn vào bảo nhà tôi dở hơi, thần kinh hay mất dạy, nhưng nhà tôi cứ gọi nhau như thế đấy”.
Lo con bị sốc khi quyết định đi bước nữa
Cuốn sách “Chuyện nhà Bông, Bờm, Bách” là tập hợp những mẩu đối thoại nhỏ giữa anh và ba con nhỏ. Vậy đối với cậu cả, anh có thói quen ghi lại những cuộc hội thoại của hai bố con không?
Cái thời Hoàng (tên con trai cả của đạo diễn Trần Lực – PV), tôi bận công việc và máy tính cũng còn hiếm hoi lắm. Tôi có ghi chép một chút vào nhật ký nhưng rồi bận công tác, giờ tìm lại không biết nó nằm ở đâu. Nhưng đối với Hoàng, có những chuyện bây giờ tôi vẫn không thể quên được vì lúc ấy chỉ có hai bố con thôi, đúng nghĩa là gà trống nuôi con đấy.
Vì Hoàng có nhiều thiệt thòi nên sự quan tâm của tôi dành cho con có phần cực đoan, mặc dù vẫn để con phát triển tự nhiên thôi nhưng cái tình yêu của tôi lúc bấy giờ nó hơi quá một chút.
Tôi vẫn còn nhớ khi Hoàng 3 tuổi, anh ấy về kể với tôi rằng đã nhìn thấy mẹ. Lúc bấy giờ, Hoàng học ở trường mẫu giáo ngay dưới chân khu nhà mẹ. Từ bé, anh ấy đã quen với tiếng đàn của mẹ, nên chỉ cần nghe thấy tiếng thôi, cậu ấy lập tức leo lên cầu thang tầng 2, nhưng chỉ dám đứng ngoài cửa sổ nhìn vào trong nhà, ngắm mẹ đang dạy đàn piano.
Ông con bé tí thì sung sướng, nhưng tôi lặng ngắt đi vì thương ghê lắm! Tôi động viên con vào hẳn nhà để thăm mẹ, nếu thích, có thể bảo mẹ dạy đàn. Nhưng anh ấy rất tế nhị, bé tí mà đã biết bố mẹ chia tay, không ở với nhau nữa, nên chỉ im lặng chứ không nói gì.
Đã khi nào anh có ý định can thiệp vào những sở thích của con?
Định hướng của tôi là để các con được phát triển một cách tự nhiên. Khi được nuôi dưỡng trong một môi trường thoải mái, tự nhiên thì cá tính, sở thích và khả năng của đứa trẻ mới được bộc lộ một cách rõ ràng.
Hồi cấp 3, Hoàng thích nhảy hip hop, nhảy tưng bừng khói lửa. Sau đó còn mở lớp dạy kiếm tiền. Một thời gian sau lại thích bóng bàn. Tôi cũng đồng ý, mà anh ấy đánh rất giỏi. Muốn học bóng rổ, đánh cờ, đi bơi, tôi cho học hết, không ép buộc gì cả.
Như chuyện học đại học của Hoàng cũng vậy. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, việc học ở đâu cũng có nhiều ý kiến. Mẹ anh ấy thích theo nghiệp khác, nhưng Hoàng lại thích điện ảnh. Nhưng tôi và ông, bà đã ngồi bình tĩnh nói chuyện, tìm hiểu kỹ trước hết là khả năng của mình, sau là việc mình có đam mê với nó hay không. Nghĩ một tuần thì anh ấy nói thích làm phim, vì thật ra gia đình có truyền thống nghệ thuật nên có lẽ cũng bị ảnh hưởng. Vì đam mê nên việc thi cử hay học hành Hoàng đều làm rất nghiêm túc.
Thông thường, những người đàn ông có ý định đi bước nữa thường hay lo lắng về mối quan hệ giữa vợ mới và con riêng. Điều này đã bao giờ khiến anh bận tâm?
Thật ra khi có ý định tiến tới, tôi cũng lo, vì nếu gia đình không hòa thuận với nhau thì rất khó để tồn tại. Những người từng trải qua cảnh gà trống nuôi con mới hiểu được, đứa con là điều thiêng liêng đến thế nào. Tôi muốn Hoàng chấp nhận người phụ nữ của mình một cách vui vẻ, thoải mái.
Vậy Hoàng có thái độ như thế nào trước quyết định đi bước nữa của anh?
Tôi cũng may mắn vì Hoàng là đứa sống thiên về tình cảm và hiểu chuyện. Anh ấy thương bố lắm, nên cũng mong có một người phụ nữ lo cho gia đình, lo cho bố. Bản thân Hoàng cũng sống thiếu tình cảm của mẹ từ nhỏ, nên cũng cần sự quan tâm của nữ giới nữa nên anh ấy hiểu vấn đề rất nhanh.
Lúc đầu tôi dẫn người yêu về nhà giới thiệu, anh ấy cũng săm soi dữ lắm nhưng đó là phản ứng tự nhiên thôi. Sau đó, hai bố con ngồi nói chuyện nghiêm túc, như hai người đàn ông với nhau. Tôi cũng cho con thời gian suy nghĩ để nói ra những vấn đề của mình, vì trước sau gì cô ấy cũng là người một nhà. Những người trong gia đình như ông, bà, các bác sau đó cũng thuyết phục để anh ấy không quá sốc, vì trẻ con là như vậy. Cuối cùng Hoàng cũng hòa đồng được vào không khí của gia đình. Bây giờ, giữa hai cô cháu không có vấn đề gì khúc mắc, rất bình thường.
Người ngoài nhìn vào bảo nhà tôi dở hơi
Trong sách, anh có đề cập đến màn tra khảo rất đáng yêu của các bé về chuyện bố có nhiều vợ. Vậy, có khi nào anh nghĩ đến việc nghiêm túc nói với các con về vấn đề này, để các con không bị ảnh hưởng bởi lời của những người xung quanh?
Sau khi các con hỏi, tôi cũng đã có buổi nói chuyện nghiêm túc, nói với các con về tình yêu, cuộc sống. Chúng nó mặt đần thối ra, chả hiểu cái quái gì. Nhưng tôi vẫn phải giải thích rằng chuyện đổ vỡ là do hai người không hợp nhau, chứ không phải mâu thuẫn hay hằm hè nhau như kiểu Việt Nam và Trung Quốc. Bọn trẻ con này là thế, chúng nó nghe mọi người nói chuyện Trung Quốc đánh Việt Nam nên hình dung như vậy. Tôi cũng phải giải thích rõ ràng.
Nhưng để các con hiểu được chuyện đấy thì cần một thời gian dài, cứ bên ngoài kích động một cái là chúng nó điên tiết lên. Hoặc nhiều khi mình đóng phim thôi, trên phim chả có gì, chúng nó cũng hằm hè. Tôi lại phải giải thích rằng: “Nghề của bố là diễn viên, bố phải quay phim, làm giả thôi nhưng phải thể hiện như thật. Các con giận tức là khen bố đóng tốt rồi đấy”. Lúc đấy thì vâng, dạ ra điều hiểu chuyện. Nhưng đến khi xem phim lại gầm rú lên. Bọn trẻ con là như thế đấy.
Đối với các em bé, bố chính là thần tượng. Nhưng anh lại khá thoải mái trong việc thể hiện những mặt xấu của mình trước mặt các con. Vì sao vậy?
Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, đừng bao giờ giấu nhược điểm của mình. Ví dụ tôi có cái tật cứ uống bia về là ngủ li bì, chúng nó cười chê bố xấu quá, thậm chí tôi cũng nói là: “Sau này uống bia đừng có ngủ như bố nhé”. Bố con trêu nhau thế thôi.
Nói chung, tôi gắn bó với nghề diễn, nhưng tôi chỉ muốn diễn trên phim thôi. Cuộc sống với trẻ con thì không nên như thế, mình cứ thoải mái thể hiện những nhược điểm, miễn là nó vô hại. Tôi hút thuốc, uống bia, thậm chí còn nhiều thứ nữa chứ chả riêng gì như thế. Tôi cứ sinh hoạt bình thường. Mình có cởi mở như thế, các bạn ấy mới cởi mở lại với mình vì trẻ con hồn nhiên thật nhưng cũng rất nhạy cảm.
Người lớn thường có xu hướng cẩn trọng trong cách sử dụng ngôn từ khi có mặt con trẻ. Nhưng anh lại rất tự nhiên sử dụng những từ như dở hơi chẳng hạn để trêu đùa với các con. Có khi nào anh sợ các bạn ấy bị ảnh hưởng?
Đó là chuyện bình thường. Khi ra ngoài, đôi khi nó vẫn nói những từ như thế đấy, nên tôi cũng xấu hổ lắm. Khi thấy mọi người ngạc nhiên, tôi phải trình bày là nhà tôi nó thế, toàn văn nghệ sĩ sống theo kiểu tự do nên cũng vô tổ chức.
Trong cách ăn nói cũng thế, trừ những thứ gọi là vô văn hóa thì tôi nghiêm cấm ngay, nhưng trong nhà tôi, những từ như “dở hơi, thần kinh” lại là cách thể hiện tình cảm. Gọi nhau như thế mới là yêu nhau. Người ngoài nhìn vào bảo nhà tôi dở hơi, thần kinh hay mất dạy. Nhưng nhà tôi cứ gọi nhau như thế đấy, bố trêu con dài giọng bảo con thần kinh hay con bảo bố dở hơi là chuyện bình thường.
Anh và vợ có khi nào gặp mâu thuẫn trong quan điểm dạy con?
Thật ra vợ tôi là người thẳng thắn, mạnh mẽ và quan trọng là cô ấy rất yêu thương con nên thường ép con ăn, hò hét nó ngủ. Đôi khi cũng có chuyện đối đầu, xung đột nhưng rồi cũng ổn cả. Đôi khi vợ đẩy tôi lên thống lĩnh, rồi có lúc tôi lại đẩy vợ lên thống lĩnh. Phải thế chứ. Có lần tôi cũng thử nghiêm mặt dạy bọn trẻ con, nhưng tôi mà cứ nghiêm là chúng nó cười, thế mới chán chứ. Chỉ có mẹ quát lên thì chúng nó mới biết sợ thôi.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét