VNExp - “Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Sáng 12/9, trong chương trình giao lưu ra mắt sách “Kẻ trăn trở” của TS Lương Hoài Nam, nhiều nhà giáo dục như GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá giáo dục của Quốc hội), PGS Lê Kim Long (Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Ngô Bảo Châu (Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) đã chia sẻ nhiều câu chuyện về giáo dục.
GS Ngô Bảo Châu kể, khi nghe tên cuốn sách, ông nhớ đến hai trường hợp từng làm ông suy nghĩ rất nhiều. Thứ nhất là ông Stéphane Hessel - cựu chiến binh của phong trào kháng chiến Pháp, từng 3 lần vượt ngục Đức quốc xã, đồng tác giả duy nhất còn sống của Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Cách đây khoảng 5 năm, khi 93 tuổi, ông Stéphane đã viết cuốn sách “Hãy phẫn nộ” chỉ với 30 trang. Trong sách, ông viết có lẽ người Pháp đang ngủ quên, tuổi trẻ đang hơi ngả về hưởng thụ hơn là nỗ lực để xây dựng cuộc sống mới với tương lai tốt đẹp hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, cuốn sách đã bán được 2 triệu bản, dẫn đầu danh sách best-seller tại một đất nước có truyền thống đọc sách.
Trường hợp thứ hai gây ấn tượng sâu sắc với GS Châu là ông Kailash Satyarthi - một người Ấn Độ được giải Nobel về hoà bình, từng có bài giảng cũng với tiêu đề "Hãy phẫn nộ". Trong bài giảng, ông giới thiệu mình sinh ra tại Ấn Độ - một đất nước của Phật giáo, Ấn Độ giáo, từ bé được dạy là con người hãy biết cách chấp nhận, an tâm với cuộc sống của mình. Đó là cách khôn ngoan nhất để sống, nhưng ông lại phẫn nộ.
Theo truyền thống, những người giai cấp cao không được động đến giai cấp thấp, nếu nói chuyện với người không có giai cấp thì về phải cúng lễ để tẩy rửa cả tháng trời. Ông rất phẫn nộ về chuyện đó nên năm 17 tuổi, dù ở tầng lớp cao nhất nhưng ông đã đến gặp gia đình ở ngoài đẳng cấp, cùng vài người bạn tổ chức bữa ăn và mời những người ngoài đẳng cấp đến ăn. Những người cùng khổ đã chuẩn bị cả ngày, tắm rửa sạch sẽ cho bữa ăn chung đó. Tuy nhiên 20h tối vẫn không ai đến. Ông đến từng nhà hỏi thì nhận được lời khước từ "bị nhức đầu không đến được".
Một bà già cùng khổ đã nói với ông rằng "cháu ăn đi, họ không đến đâu". Ông vừa ăn vừa khóc thì bà già nói: "Cháu đừng khóc nữa, cháu đã làm điều tuyệt vời ngày hôm nay, chính cháu đã đem lại niềm tự hào cho chúng tôi". Sau việc đó, ông bị gia đình cho hai lựa chọn: hoặc phải đi tẩy rửa hoặc bị loại khỏi tầng lớp trên. Ông đã quyết định chọn cách rời khỏi tầng lớp của mình.
"Nhưng ông ấy được giải Nobel hoà bình không phải vì bữa tối hôm đó", GS Châu nói. Ông được giải vì một việc khác cũng xuất phát từ sự phẫn nộ với thực trạng nô lệ trẻ con. Ở Ấn Độ cần rất nhiều nhân công nên đã sử dụng cả trẻ con. Ông đã tổ chức những đội đến đột nhập giải cứu các em và còn bị cảnh sát bắt vì điều đó. Sau này ông dùng sức mạnh của truyền thông, tổ chức một công ty truyền thông ở Mỹ để người dùng không mua lao động trẻ em. Nhờ đó hàng nghìn em được giải phóng khỏi lao động khổ sai.
“Người biết phẫn nộ, biết trăn trở chính là người tạo ra động lực thay đổi trong xã hội, làm giảm bớt sự đau khổ của con người, giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”, GS Ngô Bảo Châu khẳng định.
Là tiến sĩ kinh tế hàng không, kinh doanh hàng không và du lịch, nhưng cuốn sách "Kẻ trăn trở" của TS Lương Hoài Nam lại tập hợp những trăn trở của ông, phần lớn liên quan đến giáo dục. Nghề cho ông điều kiện đi nhiều, thấy nhiều và càng đi nhiều, thấy nhiều ông càng trăn trở để rồi tìm tòi, nghiên cứu, viết báo, đóng góp xây dựng đất nước.
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn trong sự trăn trở. Tham gia nhiều diễn đàn, tôi biết có rất nhiều người cùng trăn trở với mình, nhưng mới dừng lại ở việc không hài lòng. Tôi từng nói với họ, hãy bước ra khỏi Facebook, làm một điều gì đó để cải thiện, thay đổi những gì chúng ta chưa hài lòng. Bởi vì nếu cứ trăn trở mãi thì nó chỉ là sự đày đoạ", TS Lương Hoài Nam chia sẻ.
Ông cho biết rất cảm động khi đọc dòng cuối cùng trong lời giới thiệu cuốn sách do GS Ngô Bảo Châu viết: "Sự trăn trở của một người được cộng hưởng, chia sẻ với cộng đồng, với nhiều người và biến thành những đóng góp thay đổi và cải thiện xã hội".
"Tôi không thích sự trăn trở cuối cùng chỉ là sự trăn trở hay biến thành sự chém gió. Nó không giải quyết được vấn đề gì cả", TS Nam nói.
Trước ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam đang rất nặng vấn đề thành tích, ông Nam khẳng định, tất cả mọi người khi làm việc gì đều hướng tới thành công và thành tích. Nhưng trong giáo dục, thành tích được gọi là "bệnh", bởi vì mục tiêu và mục đích không có quan hệ với những thứ cần thiết, không cải thiện tình hình, học không phải để có kiến thức, mà học vì bằng cấp.
Đồng tình với ông Nam, GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng lẽ ra phải học cho chính mình thì dường như điều này đang dần bị lãng quên. Phụ huynh nhiều khi không quan tâm đến bài văn, bài thơ con viết, bức tranh con vẽ, nhưng lại rất chú ý đến bằng cấp, điểm thi. Đó mới là quan tâm đến ngoại vi chứ chưa phải cốt lõi.
Theo ông Châu, thành tích là cần thiết, nhưng tâm lý ăn sâu vào trí óc của nhiều người là không chịu thua cuộc. Khi toàn tâm toàn ý vào công việc nhưng vẫn thua thì vẫn đáng tự hào.
GS Nguyễn Minh Thuyết thì cho rằng Bộ Giáo dục cũng đang tìm cách loại trừ bệnh thành tích, như thông tư 30 quy định không chấm điểm học sinh tiểu học. Tuy nhiên, để thực hiện được là rất khó vì cả xã hội đang chạy theo bệnh thành tích, thể hiện rõ nhất ở việc cả nước có rất nhiều lao động tiên tiến nhưng đất nước vẫn lạc hậu. "Muốn chữa bệnh thành tích trong giáo dục phải từ gốc căn bệnh thành tích trong xã hội. Chúng ta đã chỉ ra được giải pháp để chữa bệnh, nhưng khâu yếu nhất vủa Việt Nam là không thực hiện được", GS Thuyết nói.
PGS Lê Kim Long ví von "thi đua là thua đi". Ở Đại học Giáo dục, cuối năm có mục “Hiệu trưởng khen”, đầu tiên ông khen 4 người, nhưng mọi người lại bảo thầy khắt khe quá, cần động viên anh em, thế là thành khen 20 người.
"Thành công và thành tích là 2 việc khác nhau. Để chống được bệnh thành tích là rất khó, phải bắt đầu từ gia đình, tế bào nhỏ nhất của xã hội. Con làm tốt thì hãy khen, đừng bắt con học vì điểm số, vì bằng cấp", Hiệu trưởng Đại học Giáo dục nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét