Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Nhà Toán học Việt "sở hữu" 100 công trình được công bố trên tạp chí danh tiếng thế giới

Theo Nguyễn Khôi/CAND

Dân Trí - Dáng vóc nhỏ nhắn, chân đi không bình thường nhưng là tác giả của gần 100 công trình được công bố trên các tạp chí danh tiếng thế giới, ông cũng từng làm chủ tịch hàng chục hội nghị, hội thảo Quốc tế chuyên ngành. Đó là GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng toán học và là một trong số ít nhà khoa học dành trọn tiền giải thưởng để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.

Tôi có may mắn quen biết GS. TSKH, nguyên Viện trưởng toán học Ngô Việt Trung (thuộc Viện HLKH và CN Việt Nam) khá lâu, nhưng mãi bây giờ, nghĩa là sau khi ông thôi công tác quản lý và nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2009, ông mới tâm sự về con đường học vấn và những công trình nghiên cứu về toán học suốt mấy chục năm qua. Bởi theo ông, điều đó có thấm tháp gì so với các nhà khoa học đi trước như Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, và lớp trẻ sau này như Ngô Bảo Châu (nhận Giải thưởng Filds năm 2010), Vũ Hà Văn.

Giọng nói nhỏ nhẹ, khiêm tốn, GS Ngô Việt Trung tâm sự: “Mỗi nhà khoa học đều chọn cho mình một hướng đi riêng. Những nghiên cứu của tôi tập trung vào các chuyên ngành Đại số giao hoán, Hình học đại số và tổ hợp. Trong đó đối tượng nghiên cứu chủ yếu là một số bất biến của vành địa phương và đại số phân bậc.

Hơn 35 năm qua, với việc sử dụng kiến thức của nhiều chuyên ngành khác nhau, GS Ngô Việt Trung dành tâm sức chứng minh, lý giải một cách thuyết phục những vấn đề có tính thời sự của toán học quốc tế. Đó là chỉ số chính quy và các bất biến liên quan. Tác giả đã xác định được đặc trưng của chỉ số chính quy Castelnuovo – MumFord thông qua một dãy phần tử lọc chính quy tuyến tính…

Đáng chú ý là tác giả đã chứng minh được một kết quả bất ngờ là dạng tiệm cận của chỉ số chính quy Castelnuovo-MumFord của iđêan mũ là một hàm tuyến tính. Kết quả này đã gợi mở nghiên cứu các tính chất tiệm cận khác của các iđêan lâu nay đang là chuyện thời sự của đại số giao hoán, cũng như hình học đại số mà các nhà toán học thế giới quan tâm…

Khi còn ở cương vị là Viện trưởng toán học, là thành viên Hội đồng khoa học ngành toán của chương trình nghiên cứu cơ bản Nhà nước (từ năm 2000), Giáo sư Trung cũng nhiều năm làm chủ nhiệm các đề tài về đại số giao hoán, hình học, đại số máy tính thuộc chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản Nhà nước; ông là Tổng Biên tập Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica nhiều năm liền…

Bộn bề công việc, nhưng GS Ngô Việt Trung vẫn được mời giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng như Kansas, Viện khoa học toán Berkeley (Mỹ) và hàng chục trường đại học ở các cưởng quốc nổi tiếng về toán học như Đức, Pháp, Italia, Anh, Nhật…

Đến nay, ngoài các giáo trình viết phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu trong nước như "Lý thuyết Ga Loa", "Đại số tuyến tính" (tái bản hai lần), và cuốn "Nhập môn đại số giao hoán và hình học đại số" xuất bản cách đây hơn 5 năm, GS Ngô Việt Trung đã có gần 100 công trình được đăng tải trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Và thật phấn khởi, tự hào biết bao khi gần 80 công trình trong số đó của ông đã được Viện Khoa học thông tin Mỹ thống kê, chọn lọc...

Điều đáng ngạc nhiên hơn, những kết quả nghiên cứu của ông chỉ tính từ năm 2000 trở lại đây, đã có hơn 600 bài báo của hàng trăm nhà khoa học quốc tế trích dẫn, trong đó có những công trình của GS Ngô Việt Trung được tác giả nước ngoài dụng sử hơn 50 lần. Có lẽ vì thế chăng mà ông - một trong những hiện tượng hiếm của khoa học nước nhà trở thành Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba từ năm 2000…

Con người có sức sáng tạo bền bỉ, dẻo dai ấy cũng là người luôn sống khiêm nhường với đồng nghiệp, bạn bè. Ít ai biết một nhà toán học thành danh Ngô Việt Trung, cách đây 60 năm (khi mới ba tuổi), không may mắc một cơn sốt quái ác rồi bị bại liệt một chân. Cũng may mẹ anh, một y tá quân đội có kiến thức, biết cách điều trị, chăm sóc nên anh tránh được tình trạng bị liệt nặng.

Không mặc cảm tự ti, những năm tháng sơ tán khó khăn trăm bề Ngô Việt Trung vẫn chống nạng đi học; và bằng nghị lực, trí thông minh anh đã giành giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc (lớp 10) lúc bấy giờ. Thương cảm cho một tài năng không may tàn tật nhưng mang nhiều tố chất toán học, Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp - GS Tạ Quang Bửu khi đó đã tạo điều kiện cho anh ra nước ngoài học tập.

Sang Đức vừa chân ướt, chân ráo, Ngô Việt Trung đã phải vào viện thực hiện ca phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng. Dẫu học hành bị gián đoạn so với bạn bè, song sẵn có tư chất thông minh anh vẫn bảo đảm đúng chương trình, kế hoạch học tập của nhà trường nước bạn.

Về nước công tác trong hoàn cảnh gian khó thời bao cấp, Ngô Việt Trung không ngừng nghiên cứu, sáng tạo. Anh được phong Phó Giáo sư (năm 1983) khi tuổi đời mới tròn 30, rồi Giáo sư (năm 1991) lúc 38 tuổi. Cái độ tuổi khá hiếm (vào thời điểm đó) các cán bộ khoa học trong nước có sức khoẻ bình thường làm được, huống chi anh là một con người tàn tật…

Năm 2009, GS Ngô Việt Trung vinh dự là một trong nhà khoa học đầu tiên nhận Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Sau khi làm nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân, anh dành toàn bộ số tiền giải thưởng hỗ trợ các trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở quê nhà (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hàng năm thi đỗ vào đại học. Vì như anh bộc bạch: “Khi còn sống, ba tôi (nhà ngoại giao nổi tiếng kiêm nhà báo một thời Ngô Điền – P.V) từng căn dặn, làm được chút gì cho quê hương thì phải ráng”.

Và cuối năm 2015 vừa qua, GS Trung cho tôi biết số tiền 90 triệu đồng được nhận từ Giải thưởng, anh đã hỗ trợ những học sinh nghèo nơi quê nhà; một vùng quê bên bờ sông Thu Bồn giàu truyền thống - nơi từng sinh ra những chí sĩ, nhà cách mạng nổi tiếng như Hoàng Diệu, Phan Thanh, Nguyễn Thị Bình…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét