Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Việt Nam chỉ còn khoảng 20 con hổ ngoài tự nhiên

Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Hiện tại Việt Nam chỉ còn lại khoảng 20 con hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) sinh sống ngoài tự nhiên, và nhiều khả năng loài hỗ này sẽ biến mất hoàn toàn tương tự như loài tê giác một sừng trước đây. Ngoài ra, voi và tê tê cũng đang bị đe dọa mỗi ngày vì nạn buôn bán động vật hoang dã.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã bất hợp phát tại Việt Nam do Tổng cục hải quan và tổ chức USAID (Mỹ) tổ chức ngày 17-9 tại TPHCM.

Theo USAID, hiện tại Việt Nam chỉ còn lại 20 con hổ Đông Dương và gần 100 con voi châu Á (Elephas maximus). Sự tồn tại của tê tê cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng khi nạn săn bắt và buôn bán tiếp diễn. Tuy nhiên, tổ chức này không cho biết họ căn cứ vào những số liệu điều tra nào để đưa ra những con số nói trên.

Ông Vương Tiến Mạnh, phó giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ năm 2014 đến nay, tại các cửa khẩu, lực lượng Hải quan đã phát hiện và bắt giữ gần 7.546 ký ngà voi, hơn 31 ký sừng tê giác. Còn trên các tuyến đường nội địa, lực lượng liên ngành đã phát hiện và bắt giữ 98 vụ vận chuyển, buôn bán 1.645 cá thể động vật hoang dã, tương đương gần 5.100 ký.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, không có gì chắc chắn rằng những vụ việc tương tự có thể được ngăn chặn trong thời gian tới. Nguyên nhân là buôn bán động vật hoang dã mang lại siêu lợi nhuận, song pháp luật về xử phạt vẫn chưa đủ nghiêm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc chương trình phòng, chống buôn bán động vật hoang dã của USAID GIG, cho biết từ trước đến nay, chưa có vụ án nào liên quan đến buôn bán tê tê, chỉ có bốn vụ liên quan đến sừng tê giác và hai vụ liên quan đến ngà voi đã xét xử với các bản án cao nhất là ba năm tù giam. Còn lại, các vụ việc khác phải dừng lại để chờ hướng dẫn thêm.

Ông Hà cho biết, một trong những lý do để các vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã không xử lý được vì hiện tại các bên đang tranh cãi xem khái niệm thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, do sừng tê giác, ngà voi… là những sản phẩm chỉ có giá chợ đen mà không có giá chính thức trên thị trường, do đó không có căn cứ pháp lý để xử lý và thường bị luật sư bên bị cáo căn cứ vào đây để “phản bác” lại quyết định của cơ quan quản lý.

Ông Mạnh cũng cho biết thêm, do vị trí địa lý nên Việt Nam trở thành một trong những tuyến đường buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã từ châu Phi và các nước ASEAN tới các nước tiêu thụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét