VNN - “Làm trái thì phải được tư lợi, rút được gì từ ông Danh. Cố ý làm trái, lấy gì để làm trái? Phải có tư lợi mới là làm trái. Truy tố tội cố ý làm trái, bị cáo không phục”, Trầm Bê bật khóc trình bày trước tòa.
Sáng ngày 10/1, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đối với bị cáo Phạm Công Danh, Trầm Bê và các đồng phạm.
Trước khi bước vào thẩm vấn, chủ tọa Phạm Lương Toản một lần nữa khẳng định cho phép các luật sư sử dụng tài liệu của giai đoạn một để bào chữa cho các bị cáo, nhưng các luật sư phải sử dụng tài liệu trong bản án chứ không được sử dụng tài liệu ngoài bản án.
Do sức khỏe của bị cáo Phạm Công Danh quá yếu nên các luật sư bào chữa, trại giam T47 đều có đề xuất HĐXX cho phép bị cáo ngồi trong quá trình xét xử.
Mở đầu phiên thẩm vấn, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng VNCB) thừa nhận cáo trạng truy tố hành vi của bị cáo là đúng và mong muốn được khắc phục hậu quả, đồng thời có ý kiến đề xuất với HĐXX về quy kết thiệt hại của VNCB (6.127 tỷ). Bị cáo Mai được Phạm Công Danh giao hoàn thành thủ tục hồ sơ vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh.
Tại tòa, bị cáo Mai khai thời gian đầu VNCB mới chỉ có 3.000 tỷ vồn điều lệ. Việc vay các ngân hàng là nhằm mục đích tăng vốn điều lệ cho ngân hàng để không bị thay đổi giấy phép kinh doanh. Trong số hơn 6.000 tỷ đồng được xác định là thiệt hại, có hơn 4.000 tỷ để tăng vốn điều lệ.
Bị cáo Mai đề nghị HĐXX xem xét vì có nhiều tài sản đang nằm tại ngân hàng có thể khắc phục nhưng chưa được xem xét. Ví dụ tiền nâng vốn điều lệ có thể khấu trừ thiệt hại nhưng chưa được xem xét; ngoài ra bị cáo Phạm Công Danh cũng chưa được xem xét tạo điều kiện khắc phục hậu quả.
Bị cáo trình bày về số tiền mà Phạm Công Danh trả cho ông Trần Quý Thanh nhưng chưa được xem xét trong phiên tòa trước và dòng tiền luân chuyển cho bà Hứa Thị Phấn cũng chưa được xem xét.
Khi HĐXX chất vấn vì sao VNCB còn âm cả vốn điều lệ, Mai cho biết có sự trộn lẫn dòng tiền,việc sử dụng đòng tiền qua từng thời điểm có sự thay đổi khác nhau.
Về bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Tổng giám đốc quỹ Lộc Việt); theo truy tố, bị cáo Hà là người bàn bạc với Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương dùng thủ đoạn ủy thác đầu tư 903 tỷ đồng từ VNCB qua quỹ Lộc Việt để ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với VNCB rồi dùng tiền đó mua trái phiếu của 3 công ty thuộc quỹ Lộc Việt.
Tuy nhiên, 3 công ty này không trực tiếp phát hành trái phiếu mà mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và số trái phiếu này không có thật. Sau đó, Hà chỉ đạo 3 công ty này chuyển tiền quay trở lại Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Hà khẳng định không hề quen biết với Phạm Công Danh, chỉ là 'gặp gỡ thoáng qua'.
Dù thừa nhận truy tố của VKS nhưng bị cáo Hà biện minh, do tin tưởng nên không kiểm tra phía Mai làm có đúng quy trình không mà chỉ kiểm tra phía công ty của mình có đủ giấy phép thực hiện đầu tư.
Bị cáo Hà hiện đang bị ung thư tuyến giáp và đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Trầm Bê (nguyên phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank) thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng nhưng có một số vấn đề xin được trình bày thêm. Bị cáo cho biết có quen với Phạm Công Danh từ thời bị cáo làm Chủ tịch Hội đồng tín dụng của ngân hàng Phương Nam.
Vì vậy, khi Danh sang đặt vấn đề vay tiền của Sacombank, bị cáo đã đồng ý nhưng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm tiền gửi, bất động sản.
Khi chủ tọa đặt câu hỏi, bị cáo có biết bị cáo Danh là Chủ tịch của ngân hàng VNCB không, tại sao vẫn cho vay?
“Chủ tịch ngân hàng vẫn được phép đi vay của ngân hàng khác, chỉ không được vay của ngân hàng mình. Chủ tịch ngân hàng vẫn là khách hàng”, bị cáo Trầm Bê khẳng định. Bị cáo Trầm Bê cũng cho hay, luật không cấm việc cho chủ tịch các ngân hàng khác vay ngân hàng của mình.
Cũng theo lời khai của Trầm Bê, do Phạm Công Danh đáp ứng được các yêu cầu nên đã đồng ý cho vay.
“Hôm nay đứng trước tòa bị cáo thấy trách nhiệm của mình, nhưng mong tổ chức tín dụng nêu cho rõ, đừng để những người khác rơi vào như bị cáo. Bị cáo là một doanh nghiệp lớn mà để rơi vào sai lầm như thế này thì bị cáo không phục lắm. Luật hoàn toàn không cấm. Làm trái thì phải được tư lợi, rút được gì từ ông Danh. Cố ý làm trái, lấy gì để làm trái? Phải có tư lợi mới là làm trái. Truy tố bị cáo tội cố ý làm trái, bị cáo không phục”, bị cáo Trầm Bê bật khóc nói.
Khi HĐXX hỏi có ý kiến gì nữa không, Trầm Bê đề nghị HĐXX xem xét trả lại 2 căn nhà ở đường An Dương Vương (ở quận Binh Tân) và căn nhà ở Hồng Bàng (quận 6) đã bị kê biên, bởi sau khi lục lại giấy tờ mới biết là của chị gái bị cáo.
Bị cáo Trầm Bê vừa cười vừa nói: " mỗi căn nhà không đáng bao nhiêu, chỉ mười mấy tỷ, mong HĐXX xem xét trả lại cho chị bị cáo"
Bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cho rằng, luật không cấm và phía Phạm Công Danh đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng mình nên làm theo chỉ đạo của bị cáo Trầm Bê, cho bị cáo Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng.
Cũng theo bị cáo Khang, sau đó Sacombank đã thu lại được toàn bộ số tiền cho vay cùng 35 tỷ đồng tiền lãi.
Điều này có nghĩa, Sacombank không bị hao hút đồng nào mà còn thu lãi tới 35 tỷ đồng .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét