Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Nhạc sĩ Lê Minh: ‘Tùng Dương đã ngộ nhận về ‘đẳng cấp' của mình’

Tiểu Vũ (ghi)

MTG - Sau những ca sĩ, nhạc sĩ phản ứng trước phát biểu của ca sĩ Tùng Dương về nhạc Bolero, nhạc sĩ Lê Minh, đồng tác giả của những bản nhạc phim nổi tiếng như “Những nẻo đường phù sa”, "Kiều nữ và đại gia"... cũng cho rằng Tùng Dương quá cao ngạo và ngộ nhận về đẳng cấp của mình.

Lê Minh là một nhạc sĩ trung thành với dòng nhạc Bolero, trong tất cả những sáng tác của mình, anh chỉ viết theo một thể loại duy nhất là những bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ và Bolero. Có thể kể đến như Bolero buồn lẻ loi, Làm thân con gái, Mười hai bến nước. Câu hò điệu lý còn đây… Những tác phẩm âm nhạc của Lê Minh đã được những trung tâm ca nhạc hàng đầu hải ngoại đưa vào chương trình.

Ngoài những ca khúc Bolero nổi tiếng,  nhạc sĩ Lê Minh còn sáng tác nhiều ca khúc cho nhạc phim truyền hình, tiêu biểu như những sáng tác nhạc phim viết chung với nhạc sĩ Bảo Phúc như: Những nẻo đường phù sa, Lời ru của đất (trong phim Bình minh châu thổ), Tình yêu còn lại, Mây trắng ngang trời, Kiều nữ & đại gia, Đừng nói nữa và đừng ghen em nhé (trong phim Ghen)… Anh còn sáng tác riêng các ca khúc cho phim như: Tiếng dương cầm trên biển, Cô dâu tuổi Dần, Cà phê hí mắt, Giấc mơ xanh màu và mờ tình yêu đến (trong phim Bạn đời), Lạc trên lối về (trong phim Bóng tối rực rỡ). Mới đây nhất là ca khúc trong phim Hai Lúa mang tên Câu hò điệu lý còn đây được thể hiện khá thành công qua giọng ca Á quân The voice Kids Phương Mỹ Chi.

Trước phát biểu khá sốc của Tùng Dương về nhạc Bolero, nhạc sĩ Lê Minh cũng đã đưa ra những ý kiến của mình.

"Tôi không nghĩ như lời phát biểu gần đây của một ca sĩ cho rằng "già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi". Không hiểu dựa trên cơ sở nào mà anh ta lại có những phát ngôn miệt thị người thưởng thức như vậy. Vô hình trung sự tiến bộ phải chăng là nghe dòng nhạc được gọi là của "dân sang, dân học thức"? Có lẽ Tùng Dương đã ngộ nhận về “đẳng cấp” của mình chăng?

Có thể Tùng Dương xếp người nghe Bolero, người sáng tác Bolero vào loại "dân sến, bình dân" theo sự cao ngạo của anh thì phải?

Nhưng cần phải tìm hiểu một điều là vì sao người người nghe Bolero, nhà nhà yêu thích Bolero, đài đài tổ chức thi hát Bolero? Vì bản thân giai điệu, ca từ của Bolero đã đi vào tận sâu thẳm lòng người. Nhiều sáng tác đã sống qua hàng chục năm, nghe đi, nghe lại vẫn không thấy chán. Bolero chưa từng bị thụt lùi và cũng không thụt lùi vì trên thực tế trong dòng chảy âm nhạc của đất nước, thể loại nhạc này luôn được các thế hệ người viết nhạc xây dựng và đổi mới. 

Với một dòng nhạc khác là nhạc đương đại, âm nhạc bác học thì chúng vẫn đang tồn tại và song hành với nhiều thể loại âm nhạc khác trong lòng công chúng. Mỗi thể loại đều có cái hay cái đẹp riêng và có đời sống riêng, công chúng riêng. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đang chung tay xây dựng một nền âm nhạc nước nhà ngày càng phong phú. Tuy nhiên nếu đứng ở tư cách người hoạt động âm nhạc như Tùng Dương thì không ai lại có những sự so sánh khập khiểng như thế. 

Nếu nói rằng: "Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi". Nó thụt lùi như thế nào, thụt lùi ra sao tôi cần Tùng Dương lý giải về luận điểm này trước công chúng yêu âm nhạc. 

Tôi được biết Tùng Dương là người có tài, báo chí và một vài nhạc sĩ khác cũng phong cho anh danh hiệu "Divo". Nhưng điều đó không có nghĩa là Tùng Dương tự cho mình có quyền hạ nhục một thể loại âm nhạc khác. Dòng nhạc nào thì công chúng đó. Để công chúng đến với mình nhiều hơn, "không thụt lùi" thì bản thân người nghệ sĩ phải làm tất cả chứ không phải ngồi đó rồi phê phán "đó là sự thụt lùi". Tôi ngạc nhiên với tư duy kiểu này của Tùng Dương. 

Âm nhạc thuộc về phạm trù nghệ thuật. Mà bản thân của nghệ thuật là luôn đổi mới sáng tạo. Nếu không đổi mới và sáng tạo thì đồng nghĩa nghệ thuật không bao giờ tồn tại và sẽ bị công chúng đào thải ngay. Trong lịch sử âm nhạc của Việt Nam, đã có rất nhiều giai đoạn xuất hiện những trào lưu âm nhạc mới du nhập từ nước ngoài, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở trao lưu rồi thoái trào. Bolero cũng là một trào lưu âm nhạc du nhập vào Việt Nam từ những năm 1950 của thế kỷ trước, qua bao nhiêu sự đào thải Bolero vẫn vững vàng và ngày càng phát triển. 

Hay dở, tốt xấu, sang hèn chỉ có tính ước lệ thôi, và không thể tự cho mình là cái rốn của vũ trụ rồi coi những người khác là tầm thường.

Vậy nên hãy để công chúng đánh giá, khán thính giả chính là giám khảo công tâm nhất. Bolero không hay, tự thân nó bị đào thải, bị hủy diệt. Còn ngược lại, thì tự thân người đưa ra những lời hoạt ngôn đó hãy tự soi lại chính bản thân của mình...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét