(TBKTSG) - Hôm nay (9-3), Phó chủ tịch tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), ông Lee Jae-yong, sẽ phải ra tòa để đối mặt với cáo buộc về hành vi hối lộ trong vụ bê bối tham nhũng đang gây chấn động đất nước. Báo chí quốc tế nhận định rằng, vụ tai tiếng ở Samsung có thể đe dọa mô hình kinh tế được coi là thành công của Hàn Quốc.
Thời thế đổi thay
Văn phòng công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc đầu tuần này kết luận, Tổng thống Park Geun-hye đã câu kết với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil để nhận các khoản hối lộ từ tập đoàn Samsung. Tòa Hiến pháp dự kiến sẽ xem xét yêu cầu luận tội Tổng thống Park vào ngày mai (10-3), còn hôm nay tòa án Hàn Quốc sẽ tiến hành phiên đầu tiên để lấy lời khai của ông Lee.
Ông Lee hiện là Phó chủ tịch nhưng là nhà lãnh đạo thực tế của Samsung bởi Chủ tịch đương nhiệm, ông Lee Kun-hee (ông Lee cha) đang phải nằm viện điều trị bệnh sau một cơn đau tim từ năm 2014.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp của Samsung bị cáo buộc vi phạm pháp luật, nhưng từ trước tới nay chưa ai từng bị tống giam. Ông Lee (cha) trước đây cũng đã hai lần bị kết tội song đều được Tổng thống Hàn Quốc “ân xá” với suy nghĩ rằng nếu Samsung bị tổn thương thì cả cỗ máy kinh tế đưa hàng triệu người Hàn Quốc khỏi đống tro tàn của chiến tranh cũng sẽ bị lung lay.
Lần này, hình ảnh ông Lee (con) ra tòa với hai tay bị còng, được cảnh sát dẫn giải từ trại giam, đang truyền đi thông điệp: có phải thời thế đã thay đổi? Bất ổn chính trị của Hàn Quốc, cùng với sự chán ghét của người dân về tình trạng tội phạm cổ cồn trắng (tội kinh tế), có thể tạo ra sự khởi đầu của một thế hệ các nhà lãnh đạo mới, có xu hướng từ bỏ quan điểm nương tay với những người khổng lồ trong kinh doanh.
“Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội này để cắt bỏ mối quan hệ tham nhũng giữa chính trị và doanh nghiệp” - ông Moon Jae-in, một nghị sĩ đối lập, đồng thời là ứng cử viên sáng giá cho vị trí tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc, nói. “Chỉ khi nào Samsung hối hận về sự thông đồng chính trị và các hoạt động chống lại thị trường thì họ mới có thể trở nên mạnh mẽ”, ông Moon được báo The New York Times (NYT) trích lời cho biết.
Sự trỗi dậy của một đế chế
Samsung, tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “ba ngôi sao”, từ lâu đã có mối quan hệ chính trị sâu rộng. Công ty được ông Lee Byung-chull (ông nội của ông Lee Jae-yong) thành lập năm 1938, ban đầu chỉ làm những công việc buôn bán nhỏ. Sau chiến tranh Triều Tiên (1953), Samsung mở rộng thêm các lĩnh vực như dệt may, đường và rượu rồi đến năm 1969 tham gia lĩnh vực thiết bị điện tử.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc lúc đó, Tổng thống Park Chung-hee - phụ thân của Tổng thống Park Geun-hye hiện nay - muốn biến nước mình thành một cường quốc xuất khẩu. Vì vậy, ông kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển kinh tế của đất nước; đổi lại, ông cho các doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay ngân hàng giá rẻ cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Mô hình hợp tác doanh nghiệp - chính phủ này đã giúp các thế lực kinh doanh giàu có và gia đình họ “bóp chết” các doanh nghiệp nhỏ cùng các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Những nhóm này, được gọi là chaebol, hoặc “gia tộc giàu có” trong tiếng Hàn, thống trị đời sống kinh tế của Hàn Quốc cho đến ngày nay. Mười chaebol lớn nhất của Hàn Quốc có doanh thu hàng năm tương đương 80% tổng sản lượng kinh tế của cả nước, theo ước tính của các chuyên gia.
Cha của ông Lee Jae-yong, ông Lee Kun-hee (ông Lee cha), trở thành chủ tịch của Samsung sau khi Lee (ông) qua đời vào năm 1987. Ông Lee (cha) khi đó phải đối mặt với một thách thức: mặc dù kinh tế Hàn Quốc phát triển nhất nhì châu Á nhưng ở nước ngoài, các sản phẩm Hàn được xếp vào loại giá rẻ và không đáng tin cậy.
Trong một động thái mà giờ đã trở thành truyền thuyết trong nội bộ của Samsung, ông Lee (cha) đã nói với các giám đốc điều hành cần phải “thay đổi tất cả mọi thứ, chỉ trừ vợ và con”, để cải thiện chất lượng sản phẩm của Samsung. Và những nỗ lực đó đã mang lại kết quả. Ngày nay, doanh thu hàng năm của các công ty trong tập đoàn Samsung ước tính khoảng 262 tỉ đô la Mỹ và chiếm một phần năm kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc.
Năm 2014, ông Lee Kun-hee bị đau tim và gần như không còn xuất hiện. Con trai ông, Lee Jae-yong, 48 tuổi, nắm quyền điều hành đế chế của gia đình.
Thế hệ mới
Khó có thể xác định vai trò sở hữu của gia đình Lee trong các công ty khác nhau của tập đoàn Samsung, bởi nhiều thứ không được giao dịch công khai, nhưng người ta tin là họ chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số. Thay vào đó, họ kiểm soát các công ty thông qua các giám đốc điều hành trung thành, qua các hợp đồng sở hữu chéo và nhiều mối liên kết khác.
Tại Samsung, một số giám đốc trung thành là thành viên của Văn phòng chiến lược công ty. Văn phòng này có một vai trò ít được công bố: duy trì quyền kiểm soát tập đoàn cho gia đình ông Lee.
Ông Lee (con) là người muốn đưa Samsung vào kỷ nguyên hiện đại, trong bối cảnh bộ phận điện tử của Samsung đã bỏ lỡ sự bùng nổ trong lĩnh vực ứng dụng điện thoại di động và các dịch vụ trực tuyến. Ông Lee tin rằng, chính môi trường văn hóa doanh nghiệp nghiêm ngặt của Samsung đã gây nhiều khó khăn cho sự đổi mới.
Dưới sự lãnh đạo của mình, ông Lee (con) yêu cầu các nhà quản lý không dùng lời lẽ khắc nghiệt với cấp dưới. Ông cũng cam kết cắt giảm các cuộc họp, giảm giờ làm, và khuyến khích người lao động phản biện chủ của họ. Tuy nhiên, một số nhân viên hiện tại và trước đây nói với NYT rằng áp lực từ cấp trên thậm chí còn nặng nề hơn, dưới thời ông Lee.
Mảng kinh doanh điện thoại của Samsung, mặc dù bị giảm thị phần tại Trung Quốc và nhiều nơi khác song vẫn cạnh tranh thành công với Apple ở phân khúc đắt tiền. Trong cuộc đối đầu này, đội ngũ giám đốc điều hành của ông Lee phạm sai lầm đầu tiên. Do quá vội vã tung chiếc điện thoại được cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, Galaxy Note 7, ra thị trường ngay trước khi Apple giới thiệu iPhone 7, bộ phận pin của Note 7 liên tục gặp lỗi và cháy nổ. Samsung sau đó buộc phải xóa sổ Note 7, với thiệt hại ước tính khoảng 5,4 tỉ đô la Mỹ.
Kim Sang-jo, nhà kinh tế trường Đại học Hansung, và một số chuyên gia đổ lỗi thất bại này cho ông Lee và Văn phòng chiến lược của công ty. Họ nói rằng, các lãnh đạo cao cấp đã thúc đẩy những mục tiêu lớn mà phớt lờ ý kiến của các nhà quản lý cấp thấp hơn.
Văn phòng chiến lược của công ty đồng thời cũng bị chỉ trích vì một động thái khác đưa công ty lún sâu vào khủng hoảng. Theo những chính sách được đưa ra từ đây, Samsung đã thúc đẩy việc sáp nhập hai đơn vị của tập đoàn là Cheil Industries và Samsung C&T. Nhiều cổ đông phản đối động thái này, nhưng việc sáp nhập được cho là sẽ củng cố vai trò của ông Lee đối với toàn bộ tập đoàn.
Để giành chiến thắng, ông Lee và Văn phòng chiến lược công ty đã vi phạm pháp luật. Theo điều tra mà văn phòng công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc công bố đầu tuần này, ông Lee đã ba lần gặp Tổng thống Park Geun-hye để đề nghị bà ủng hộ thỏa thuận sáp nhập. Đổi lại, bà Park đề nghị ông hỗ trợ hai quỹ có liên quan tới người bạn Choi Soon-sil. Reuters dẫn lời các công tố viên cho hay, ông Lee và các thành viên Văn phòng chiến lược của Samsung đã đưa cho các quỹ và doanh nghiệp liên quan đến bà Choi tổng cộng 38 triệu đô la Mỹ, và mua tặng con gái bà Choi một con ngựa đua trị giá 900.000 đô la.
Quỹ hưu trí quốc gia, cổ đông lớn của hai công ty trên, sau đó phê duyệt thỏa thuận. Theo các công tố viên, việc sáp nhập làm tăng giá trị cổ phiếu của gia đình Lee lên ít nhất 758 triệu đô la nhưng đồng thời làm thiệt hại cho Quỹ hưu trí quốc gia khoảng 123 triệu đô la Mỹ.
Trong vụ bê bối tham nhũng đang gây chấn động lần này, Tổng thống Park Geun-hye bị dính líu trực tiếp. Lần trước, các lãnh đạo cao cấp của Samsung từng được tổng thống Hàn Quốc ân xá. Nhưng lần này, thì chính tổng thống cũng đang chờ bị luận tội. Khi ông Lee mới bị bắt giữ, Samsung cho biết sẽ làm hết sức mình “để bảo đảm rằng sự thật sẽ được công khai trong các phiên xét xử tại tòa”. Samsung chưa bao giờ đối mặt với áp lực nào lớn như vậy và hãy chờ xem họ vượt qua áp lực này thế nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét