GiadinhNet - Tối 5/10, đêm diễn lớn nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ hài Xuân Hinh đã diễn ra trong sự kỳ vọng của đông đảo công chúng hâm mộ. Khán phòng hơn 4.000 ghế ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã không còn chỗ trống. Nhưng có vẻ như vì quá kỳ vọng với phát biểu trước đó của nghệ sĩ Xuân Bắc rằng "đây là đêm diễn đáng xem nhất trong năm" mà khi "mục sở thị", khán giả không khỏi so sánh.
Hay nhưng không ấn tượng
"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", liveshow tiêu tốn đến 10 tỷ đồng này đã mời những tên tuổi nổi tiếng nhất hiện nay để dàn dựng, gồm các đạo diễn: Phạm Hoàng Nam, NSND Lê Hùng và Đỗ Thanh Hải. Điều đáng nói nữa, họ còn là những người am hiểu "bản sắc" của nghệ sĩ Xuân Hinh để chắt lọc những tinh túy nhất cho khán giả. Một sân khấu dàn dựng không quá cầu kỳ, lòe loẹt, "cải lương" như thường thấy ở phần lớn các đêm diễn mà rất "ra chất" truyền thống, ăn ý với từng tiết mục của nhân vật chính. Ê-kíp chương trình cũng khá khôn ngoan khi lựa chọn cái tên "Xuân Hinh, kẻ chọc cười dân dã" để thoải mái "tưng tửng" trong các tiểu phẩm mà không bị bắt bẻ bởi các câu chữ "thô" và "thật". Ngoài ra, với tài năng diễn xuất đã đến độ nhuần nhuyễn như Xuân Hinh, tiểu phẩm "Người ngựa, ngựa người, " dù tràn ngập các câu "chửi thề" và "chọc cười dân dã" nhưng qua cách xử lý của Xuân Hinh, khán giả không thấy độ "chênh phô" và phản cảm.
Kết cấu của chương trình cũng được phân chia rõ ràng, có mảng miếng và "khoe" được hầu hết sở trường của Xuân Hinh, từ các trích đoạn hề chèo kinh điển mang thương hiệu Xuân Hinh đến loại hình tuồng, hầu đồng và hài kịch. "Vua hài đất bắc" được biến hóa đa dạng và nhuần nhuyễn đến độ khó có thể bắt lỗi trong diễn xuất và kỹ thuật hát. Thế nhưng, để nói rằng chương trình có bất ngờ không, có ấn tượng không thì câu trả lời hẳn sẽ khiến ê-kíp khó tránh khỏi việc tiếc số tiền đã bỏ ra. Vì khán giả chưa cảm thấy thực sự "đã" với những gì mà họ chờ đợi và biết về một Xuân Hinh đầy phong phú đến độ diễn như "nhập đồng" ở các sân khấu bình dân. Đêm diễn được cho là quá an toàn, có cảm giác như nghệ sĩ bị phụ thuộc nhiều vào bộ khung kịch bản. Trong khi đó, sự đắt giá của Xuân Hinh, cái làm lên sự "dân dã" nơi ông chính là khả năng biến hóa và tung hứng trên sân khấu lại bị "triệt tiêu" hoàn toàn ở liveshow này.
Trong đêm diễn, MC Xuân Bắc hơn một lần phải kêu gọi khán giả vỗ tay để động viên nghệ sĩ, bởi trước đó anh từng tâm sự trong buổi họp báo rằng: "Xuân Hinh là người rất khó tính và cẩn trọng trong nghề. Khi lên sân khấu, anh không chỉ để tâm đến cảm xúc của khán giả mà còn liên tục liếc sang phía cánh gà để xem anh em nghệ sĩ có cười không. Nếu không là thể nào ngày hôm sau cũng mất ăn mất ngủ". Khó trách khán giả quá lười biếng "động viên" nghệ sĩ, cũng không phải do chương trình bị nhạt, mà là bởi cái họ đang xem đều là những điều đã biết.
Sang trọng quá cũng bất tiện
Sau phần biểu diễn các trích đoạn chèo kiểu mẫu là đến tiểu phẩm "Người ngựa, ngựa người" từng làm nên cơn "chấn động" gần 10 năm trước của bộ ba: NSND Lê Hùng, Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền. Trong tiểu phẩm này, NSND Lê Hùng đã thêm thắt vài tình huống, lời thoại để hấp dẫn hơn trước kia, nhưng nỗ lực đó khó làm khác đi được khi chỉ có "chiếc bình" mới, còn thực chất thì "rượu" vẫn thế. Khán giả vẫn cười vì khả năng diễn xuất của Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền quả thực đỉnh cao, nhưng sự xúc động như trước kia thì đã giảm nhiệt. Đó cũng là quy luật tất yếu khi nó không còn mới mẻ với khán giả. Nhưng có đạo diễn đã tỏ ra tiếc nuối khi cho rằng, lẽ ra nên có mảng miếng mang tính "đương đại" hơn thay vì chỉ diễn lại tích cũ. Vì chèo, hầu đồng đã cũ rồi thì phải có yếu đố "đối xứng". Ngay cả tiểu phẩm "Của Gia Bảo" cũng vậy, có màu sắc hiện đại nhưng câu chuyện này đã được các nhà hát khai thác quá nhiều rồi.
Không biết do thời lượng chương trình dài hay việc đưa các tiết mục âm nhạc vào một liveshow mang màu sắc sân khấu là không đúng ý khán giả mà sau phần diễn hài của Xuân Hinh có không ít người ra về giữa chừng. Phần hát của ca sĩ Tùng Dương và cả màn hầu đồng được tuyên bố là hoành tráng nhất từ trước đến nay của Xuân Hinh (Giá cô Sáu) lại phải hứng chịu sự thờ ơ của một bộ phận khán giả. Bên hành lang Trung tâm Hội nghị Quốc gia, có khán giả vừa ra về đã phàn nàn phần dẫn dắt của MC Xuân Bắc là nhạt nhẽo: “Nói gì mà như diễn kịch"; "ăn đong" lạimàn chế lời ca khúc giống như ở Gặp nhau cuối năm... (phần trình diễn của MC Xuân Bắc khi mượn phần nhạc của ca khúc "Ôi quê tôi" của nhạc sĩ Lê Minh Sơn để nói lên tiểu sử và tài năng của nghệ sĩ Xuân Hinh - PV).
Quả thật, phần dẫn dắt của nghệ sĩ hài Xuân Bắc trong đêm diễn có phần khô khan và thiếu sự tung hứng với nghệ sĩ. Ở một số câu trả lời, nghệ sĩ Xuân Hinh tâm sự với khán giả chẳng khác gì "trả bài" trước thầy giáo khó tính, nhưng vẫn được đồng nghiệp ưu ái gọi là "những chia sẻ rút ruột, rút gan". Ngoài ra, theo một đạo diễn thì sân khấu của Trung tâm Hội nghị Quốc gia quá rộng và loãng, khó thích hợp với một liveshow thiên về hài. Bởi với nghệ sĩ hài, sự tương tác và sự hưởng ứng của khán giả (được tạo điều kiện bởi sự hỗ trợ của không gian sân khấu) là "chất kích thích" để họ diễn thăng hoa hơn, mang lại bất ngờ thú vị cho đêm diễn. Thế nên, có thể hiểu được vì sao liveshow của nghệ sĩ Xuân Hinh được đánh giá là "sạch sẽ", có phong phú nhưng thiếu sự ấn tượng của một tài năng mà lẽ ra có thể đạt được trong tầm tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét