PLO - Chỉ có người trong cuộc mới có thể thấu hiểu lấy chồng làm báo, một phụ nữ phải biến thành siêu vợ thế nào?
Vừa tròn 5 năm chung giường với một ông chồng làm báo, mình vẫn còn chưa hết bất ngờ với một con người, một công việc rất khác biệt. Từ ngày lấy ổng, đời mình như được mở mang với bao nhiêu cung bậc cảm xúc từ vui, buồn, hạnh phúc, khổ đau, khắc khoải, lo sợ,… mà cái nào cũng lên tới đỉnh cả.
Làm vợ một nhà báo lúc thì rực rỡ, lúc lại kinh khủng như đang đi trên dây vắt ngang hai tòa nhà 10 tầng.
Đừng sốc khi chồng “ngắm” web đen
Ngày yêu nhau, cũng thấy ổng có cái nghề phức tạp nhưng mình chẳng hiểu cụ tỉ thế nào. Chỉ thấy ổng lắm lúc thoắt ẩn, thoắt hiện, đang chở người yêu đi chơi tối thứ 7 cũng thấy trưởng ban gọi giao viết cái nọ, chụp ảnh cái kia. Tới khi lấy nhau về chung nhà, chung mâm mới choáng váng vì cái sự bất thường của nghề báo.
Mình vẫn không quên được cảm giác sốc tột đỉnh ấy khi đang mang bầu ở tháng thứ 4. Đêm ấy, bà bầu 4 tháng đã đánh được một giấc nhưng bị cơn buồn vệ sinh làm thức giấc. Vệ sinh xong, bà bầu lại có cảm hứng uống nước. Thế là bà bầu lại rón rén ra phòng khách lấy nước và tiện xem chồng đang làm gì trên máy mà im ắng thế?
Chiếc cốc trên tay vợ nhà báo chỉ kịp rơi “choang” xuống đất khi thấy màn hình máy tính của chồng là toàn ảnh các thể loại gái gọi, cave đủ tư thế. Khỏi nói, hai mẹ con khóc bù lu bù loa nói nặng nhẹ với chồng: Vợ mang bầu, chồng nhịn chút vì sức khỏe của hai mẹ con cũng không nổi sao mà phải lên mạng tìm “hàng”… vân vân và vân vân.
Dù ổng có tỏ ra bình tĩnh lắm nhưng không giải thích lại cái miệng của một phụ nữ lên cơn tăng xông. Rốt cuộc chỉ hai hôm sau, khi chồng mang tờ báo có bài về gái gọi online, kí bút danh to chảng của chồng, vợ mới nguôi.
Tốt nhất là nên không biết ghen!
Vợ người ta thì đêm hôm mà chồng có số máy lạ gọi, nhất là gái gọi thì chết với các bả. Cơ mà nhà mình thì chuyện cơm bữa. Có hôm 12h đêm vẫn có gái gọi thống thiết, buôn chuyện tơi bời cả nửa tiếng nào chỉnh cái nọ, đính chính thông tin kia mà vợ cũng chẳng ứ hự được gì. Hóa ra là thư kí tòa soạn yêu cầu chồng chỉnh bài. Hay 9h tối vẫn có em gọi mời chồng mình đi nhậu vì… công việc, cơ mà nghe cái giọng các cô ấy ngọt nhạt thoảng qua cái loa điện thoại của chồng cũng thấy sởn da gà. Làm vợ nhà báo thì phải coi mấy cái kiểu đó là: Quen rồi mà!
Có lần tới cơ quan, mình thấy cô đồng nghiệp cùng phòng đang thút thít kể lể là bắt gặp chồng ngồi cà phê với gái lạ trẻ trung, xinh xắn lắm. Tối hôm qua hai vợ chồng đã xảy ra một trận chiến không cân sức chỉ vì cốc cà phê lằng nhằng ấy. Mình cười khẩy, chuyện thường ngày ở huyện với chồng mình mà.
Chuyện vợ đi cùng bạn mà tình cờ thấy chồng ngồi cà phê cùng gái với nhà mình chả có gì lạ. Có lần nhìn thấy nhau mà vẫn mỗi đứa một bàn. Bạn ai người ấy tiếp, khách của ai người ấy nói chuyện. Mặc dù nói thật, với vị trí một cô vợ thì đôi khi nhìn mấy cô nhân viên truyền thông xúng xính váy áo, long lanh ngồi với chồng dù là bảo nói chuyện công việc mình cũng thấy nóng mặt.
Và đặc biệt là chuyện kiểm soát cuộc gọi, tin nhắn, nick chat là điều đừng mất công làm khi lấy nhà báo nếu chúng ta không muốn “tẩu hỏa nhập ma”.
Cảm giác là nạn nhân cũng rất khó thở
Cái cảm giác 11h đêm, chồng vẫn lao ra khỏi nhà để săn tin bắt ông nọ, bà kia của ngân hàng A, công ty B, đối tượng V mình quen rồi. Chuyện cả nhà ăn cơm, 9h tối chồng vẫn cắm mặt vào laptop gõ bài cho kịp số báo ngày mai cũng chẳng còn xa lạ. Hay 10h đêm chồng xách balo bảo đúng một câu duy nhất: anh phải đi công tác tỉnh G gấp để kịp dự phiên tòa xử sớm sáng mai, vợ cũng chẳng quá sốc. Chỉ cần một cuộc gọi, một tin nhắn là chồng lại biến mất khỏi nhà vài hôm là chuyện nhỏ trong gia đình.
Thế nhưng cái cảm giác lần đầu tiên mẹ con mình biến thành nạn nhân do công việc của chồng thì mình chẳng quên nổi. Chỉ vì loạt bài điều tra một công ty làm ăn bậy, mượn danh nghĩa từ thiện để thu lợi mà chồng bị tra tấn bằng cả loạt cuộc gọi, tin nhắn. Vài số máy lạ dọa dẫm chồng chán chê rồi quay sang thông báo làm hại vợ con nếu tiếp tục theo vụ việc.
Nghe qua điện thoại thôi, vợ cũng đủ run. Bà ngoại thì cứ hốt hoảng lo cho cô cháu gái mới 2 tuổi bị bắt cóc. Cả tháng sống trong sợ hãi chứ không đùa. Lắm khi mẹ con đón nhau ở trường về mà cứ hình dung có kẻ nào đi qua tạt cho ca acid cũng chẳng còn gì để nói.
Yếu tim đừng lấy chồng làm báo
Nghề của chồng, nghề khắc nghiệt tới mức ráo mồ hôi là hết tiền. Có những lúc mong chồng nghỉ ngơi nhưng không được, chỉ cần đi chơi nghỉ lễ vài ngày cũng có thể ảnh hưởng tới nồi cơm vì không viết chẳng có nhuận bút.
Kể lể thì chắc phải có tới n chuyện không dành cho các cô vợ yếu tim, bởi với cái nghề của chồng, đôi khi chỉ vì một câu chữ, một bài báo là tan tành một sự nghiệp, thậm chí cả cuộc đời. Cái cảnh chồng nhấp nhổm vì buộc phải đưa thông tin theo chỉ đạo nhưng nguồn tin thì không thẩm định chính xác 100% được như chơi một canh bạc. Thế nhưng canh bạc ấy nếu thắng cũng có khi nhuận bút chưa đủ mua một hộp sữa cho con. Còn nếu thua thì rất có thể vợ phải vào nhà lao thăm chồng.
Vợ thì thấy cực như thế nhưng hỏi chồng thì chàng vẫn bảo làm báo sướng hơn ối nghề mà không làm báo thì chồng cũng chẳng muốn làm nghề gì khác…
Trích nhật ký của vợ một nhà báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét