Dân Trí - Góp ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi sáng 23/5, đại biểu Đỗ Văn Đương nhận định, nhiều thẩm phán “tạo điều kiện” để đương sự… không thể hòa giải được, để cùng đua “chạy án”, theo đó vừa “đốt tiền” của nhà nước vừa “đốt tiền” của đương sự.
Tòa từ chối, người dân tìm tới “luật rừng”
Ủng hộ nhiều điểm mới cơ quan soạn thảo (TAND tối cao) đưa vào dự thảo Bộ luật sửa đổi, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình (đại biểu tỉnh Quảng Ngãi) gạt đi những lo ngại, yêu cầu “cần thận trọng”, “cần cân nhắc” của cơ quan thẩm tra về việc áp dụng án lệ, mở mộng thẩm quyền ban hành những biện pháp khẩn cấp tạm thời cho tòa án…
Theo ông Bình, muốn đổi mới mạnh mẽ, đột phá nhưng lại đặt yêu cầu quá thận trọng thì việc sửa luật khó căn cơ, sẽ lại là những “chuyện cũ lặp lại”.
Với câu chuyện tòa có được từ chối quyền xét xử hay không, Viện trưởng tối cao khảng khái nói “không”. Theo ông Bình, trong bất cứ tình huống nào, khi có yêu cầu kiện cáo của người dân, tòa không được quyền từ chối giải quyết, dù với lý do quan hệ dân sự đó chưa có luật điều chỉnh, luật không quy định vấn đề này…
Ông Bình khuyến khích đưa vào luật nguyên tắc áp dụng án lệ dân sự vì thực tế đời sống xã hội rất phong phú, muôn hình muôn vẻ, quy định của pháp luật không bao giờ theo kịp. Để điều chỉnh đủ các quan hệ dân sự, ông Bình nhận định, Bộ luật tố tụng dân sự có quy định đến 5.000 điều khoản có khi cũng không hết.
“Có thực tế là các tòa để cho nhàn thân, để đỡ rủi ro thì những vấn đề của cuộc sống phát sinh mà không có/chưa có trong luật là sẽ từ chối xét xử. Đó chính là cách đẩy người dân đến những lựa chọn ứng xử bằng luật rừng. Việc này quá nguy hiểm” – ông Bình nêu rõ, tòa tối cao đã đưa vào dự thảo Bộ luật sửa đổi nguyên tắc mới này, UB Tư pháp chưa hẳn ủng hộ, yêu cầu thận trọng nhưng thế là thận trọng quá.
Tán thành cách đặt vấn đề cần đưa ra nguyên tắc này nhưng ông Bình cũng góp ý, cơ chế để thực hiện nguyên tắc thể hiện chưa rõ. Cụ thể, theo Viện trưởng VKSND tối cao, cần viết cụ thể, người dân đã kiện thì tòa phải xử, nếu không có luật thì vận dụng tương tự pháp luật, sau nữa là vận dụng theo nguyên tắc của lẽ phải, lẽ công bằng.
Ông Bình dẫn ví dụ, vợ chồng ly hôn, về lý thuyết, mọi tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung vợ chồng, phải chia đôi 5-5, bên nào nuôi con thì được thêm được 1 đồng nữa. Tuy nhiên, thực tế, có những trường hợp không thể áp dụng chặt chẽ được như vậy. Người cầm cân nảy mực cũng cần có phán đoán như gia đình có người chồng làm giám đốc công ty, dù hiện tại chỉ kiếm được 10 đồng nhưng nhưng khả năng cao trong tương lai có thể kiếm nhiều hơn vì ở vị trí tốt hơn so với người vợ chỉ làm nội trợ thì vận dụng nguyên tắc công bằng trong cuộc sống, chia cho người ở thế yếu được phần nhiều hơn cũng là phải lẽ.
Tòa lòng vòng để… “đốt tiền” đương sự
Tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu TPHCM, đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét, dự thảo Bộ luật sửa đổi mới chỉ sửa đổi tiểu tiết chứ chưa sửa đổi căn bản. Ông Đương phân tích, an dân sự rất phức tạp, hàng năm có trên 100.000 vụ tranh chấp, tranh chấp ngày càng gia tăng.
Trước đây, tranh chấp trong dân sự chủ yếu là động sản nhưng bây giờ là tranh chấp về bất động sản nổi lên. Hiện 90% khiếu kiện xảy ra và giải quyết bằng con đường tòa án. Anh em trong gia đình, bố mẹ với con cái đều có thể khiếu kiện nhau. Đất đai lên giá nên lòng tham của con người trỗi dậy. Nổi lòng tham rồi thì kiện tụng quyết liệt xảy ra kể cả trong anh em họ hàng. Nhiều vụ việc lòng vòng xử lý đi xử lại 10-20 năm mà công lý vẫn chưa đạt được.
Đặt câu hỏi về lý do, có phải pháp luật của mình chưa hoàn thiện, đại biểu tự trả lời, vì pháp luật quá chung chung, pháp luật điều chỉnh về tài sản chưa cụ thể, thẩm phán còn phải dựa vào Nghị quyết và lương tâm, tình cảm để giải quyết nên những yếu tố này chi phối trong án khá phổ biến.
Ông Đương cũng phản ánh thực tế, tòa án còn làm thay đương sự nhiều quá. Tòa án tự đi thu thập chứng cứ rồi lại đi xét xử nên có ý kiến cho là không minh bạch. Đây là điểm cần hạn chế.
Đại biểu nêu quan điểm, cần nhấn mạnh hơn việc tự thu thập chứng cứ và sự tự chứng minh của đương sự. Tòa án phải giảm dần vai trò trong việc thu thập chứng cứ mà chỉ hỗ trợ người dân trong việc thu thập. Không phải mọi tranh chấp đều ra tòa án là hay, chỉ vạn bất đắc dĩ mới phải đưa nhau ra tòa.
“Người ta vẫn nói thủ tục hành chính rườm rà nhưng thủ tục tư pháp còn rườm rà hơn, rồi lại đốt tiền của nhà nước vì sự rườm rà này. Có rất nhiều vụ án đơn giản thì phải rút gọn trình tự, một thẩm phán xử lý là được rồi, kéo dài trình tự chỉ thêm rườm rà, tốn kém, phát sinh tiêu cực” – ông Đương cảnh báo.
Thực tế là nhiều thẩm phán còn “tạo điều kiện” để đương sự… không thể hòa giải được, để cùng đua “chạy án”. Thủ tục lòng vòng, theo đó vừa “đốt tiền” của nhà nước vừa “đốt tiền” của đương sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét