Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

Tướng Vĩnh từng tham gia bán vật chứng vụ án hàng trăm tỷ

Sáu Nghệ

LSVNO - Vụ án “buôn lậu” gỗ trắc ở tỉnh Quảng Trị do Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) - Bộ Công an điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố và Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng xử sơ thẩm đã 3 lần trả hồ sơ. Nguyên nhân chính không xét xử được là lô gỗ vật chứng (nhập khẩu qua hải quan 535,8 m3 nhưng cáo buộc 614,672 m3) đã bị bán trong quá trình điều tra, có sự tham gia của cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh.

Theo hồ sơ, ngày 17/12/2011, tại cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng) mở tờ khai hải quan, nhập 535,8 m3 gỗ trắc từ Lào, nộp thuế đầy đủ. Hai ngày sau, tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai xuất khẩu nguyên lô gỗ đã đóng vào 22 container, sang Hong Kong – Trung Quốc. Khi chở gỗ xuống tàu ở cảng Đà Nẵng, một xe container “vi phạm trong lĩnh vực hải quan” và Tổng cục Hải quan ra lệnh bắt giữ, khám xét, sau đó khởi tố vụ án “buôn lậu” và chuyển hồ sơ sang C44 điều tra. Ba lần Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng mở phiên xét xử sơ thẩm vào cuối năm 2014, giữa năm 2016 và cuối năm 2017 đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì vật chứng đã bị bán vào tháng 01/2014.

Quá trình bán vật chứng như sau: Ngày 31/7/2013, C44 có “Quyết định xử lý vật chứng” số 21/C44-P4 do Đại tá Lê Đình Nhường - Cục trưởng C44 ký, cho tổ chức bán đấu giá. Nhưng ngày 12/8/2013, cũng Đại tá Nhường ký Công văn số 468/C44-P4 tạm dừng tổ chức bán đấu giá vì “có một số vấn đề mới phát sinh cần phải xử lý liên quan lô gỗ”.

Theo kết luận điều tra ngày 15/10/2013 của C44 thì có cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương vào ngày 24/9/2013, tại Bộ Công an bàn việc xử lý vật chứng. Kết luận của cuộc họp: “Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”.

Ngày 11/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1) có quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hơn 10 ngày sau, ngày 23/12/2013, Đại tá Lê Đình Nhường ký Công văn số 3599/C44-P4 gửi Trung tướng Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an) xin ý kiến chỉ đạo “xử lý vật chứng của vụ án”.

Sau đó, ngày 27/12/2013, Trung tướng Phan Văn Vĩnh ký Công văn số 900/C41-C44 “V/v xử lý vật chứng vụ án” gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Trong công văn, ông Vĩnh đề xuất: “Cho xử lý lô gỗ là vật chứng của vụ án theo hướng bán lô gỗ vật chứng của vụ án”. Bộ trưởng Trần Đại Quang phê vào Công văn: “Đồng ý xử lý theo pháp luật và kết luận của cuộc họp liên ngành”.


Theo pháp luật, việc xử lý vật chứng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra”, còn vụ án này đang điều tra thì cơ quan điều tra không được phép bán. Bên cạnh, kết luận của cuộc họp liên ngành là “chuyển toàn bộ lô gỗ là vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”. Rõ ràng, pháp luật quy định cũng như chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Đại Quang là C44 không được phép bán lô gỗ vật chứng.

Thế nhưng, ngày 31/12/2013, Đại tá Lê Đình Nhường đã ký công văn số 905/C44-P4 gửi Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP. Hà Nội “tổ chức bán đấu giá lô gỗ vật chứng vụ án”. Cuộc bán đấu giá diễn ra ngày 10/01/2014, với giá 63 tỷ 920 triệu đồng. Như thế, lô gỗ vật chứng đã bị bán trước khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng lần thứ nhất (ngày 07/5/2014), qua đoạn đường khá vòng vèo nhưng có những dấu mốc khá quyết định với các công văn do Trung tướng Vĩnh và Đại tá Nhường ký.

Về giá trị lô gỗ vật chứng, Phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng Trương Huy Liệu cho biết, giá thị trường tại thời điểm hơn 300 tỷ đồng, số tiền chênh lệch bị “tham ô” và việc bán đấu giá không thông báo với Công ty Ngọc Hưng. Ngày 06/7/2017, ông Liệu đã có đơn tố giác gửi cơ quan Trung ương: “Việc một số cán bộ của Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an (C44) và Vụ 1, Vụ 3 – Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã liên danh thành một nhóm lợi ích, áp dụng pháp luật tùy tiện trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố; vu khống doanh nghiệp “buôn lậu” và cán bộ hải quan “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để lợi dụng hoạt động điều tra tham ô tài sản có giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng”.

Cuối năm 2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng có kiến nghị với nhiều cơ quan Trung ương làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân trong việc “vội vàng bán vật chứng”. Kiến nghị nêu rõ: “Khi lô hàng còn trong quá trình điều tra thì Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân không có thẩm quyền bán vật chứng mà phải chờ bản án có hiệu lực pháp lý của Tòa án. Trong lúc vụ án chưa kết thúc điều tra, chưa được đưa ra xét xử mà Cơ quan điều tra đã bán lô hàng vật chứng là vi phạm nghiêm trọng Điều 75, Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Hơn nữa, trước đó (ngày 24/9/2013), kết luận của cuộc họp lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương là: Chuyển lô gỗ vật chứng theo hồ sơ vụ án để các cơ quan tố tụng tiếp theo xử lý theo thẩm quyền”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét