Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Chân dung ông chủ khách sạn có bể bơi dát vàng ở Đà Nẵng

Sa Mộc

(NQL) Chủ khách sạn dát vàng tại Đà Nẵng, đại gia Nguyễn Hữu Đường, với biệt danh nổi tiếng Đường “bia”, cũng là ông chủ tập đoàn Hòa Bình. Đại gia này thường thể hiện lòng yêu nước nhiệt thành bằng cách hỗ trợ hết mình cho các doanh nghiệp Việt tại các TTTM V+. Tuy nhiên, mới đây khi khánh thành khách sạn Vịnh Vàng Đà Nẵng, Nguyên đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Càn Văn cho hay, Tập đoàn Hòa Bình có quan hệ thân thiết, hợp tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc – khiến nhiều người khá bất ngờ.

Ở mảng nước giải khát và bất động sản, không ai là không biết đến đại gia Nguyễn Hữu Đường (biệt danh Đường “bia”). Ông Đường phất lên nhờ sản xuất nguyên liệu bán thành phẩm cho bia (malt), thành danh nhờ mảng bất động sản. Một điểm đặc biệt ở đại gia này là ông chủ tập đoàn Hòa Bình thích dát vàng mọi thứ, từ nhà vệ sinh cho đến bể bơi. Cách đây mấy hôm, ông đã khánh thành khách sạn Vịnh Vàng Đà Nẵng, với toàn bộ thiết bị, đồ dùng, kể cả chi tiết trong khách sạn như bồn bồn tắm, bồn vệ sinh… đều dát vàng 24K.

Năm 1979 ông Đường xuất ngũ sau 5 năm làm lính. Mất 2 năm xây dựng gia đình, năm 1981, ông được nhận vào làm việc tại một HTX vận chuyển bia của Nhà máy bia Hà Nội. Cơ duyên đến với ngành bia của ông Đường hình thành trên những cuốc xe xích lô chở bia đến các cơ quan khắp phố phường thủ đô.

Năm 1987, sau khi nhà nước nới lỏng nhiều chính sách kinh tế, cho phép tự phát triển kinh tế tư nhân, ông đã thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình chuyên sản xuất malt bia. Những cái tên hiệu như “Đường bia” hay “Đường malt” đều xuất phát từ đây. Năm 2004, ông nhảy vào thị trường bất động sản, với dự án đầy tham vọng: đổ 26,1 triệu USD để xây dựng tòa tháp đôi Hòa Bình, trên khu đất rộng hơn 5.000m2, nằm ở một trong vị trí đắc địa nhất Hà Nội.

Mới đầu, mọi người nghĩ ông sẽ xẻ đất, phân lô bán nền như nhiều nhà đầu tư khác. Nhưng không, ông chủ Hòa Bình đã xây nên 2 tòa nhà to đẹp, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế tại 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội. Sự thành công của dự án này, đã tạo uy tín cho ông Đường trong giới bất động sản, khiến ông dễ dàng nhận được nhiều khu đất đẹp cũng như được nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác hơn.

Tuy nhiên, cái tạo nên danh tiếng cho ông Đường không phải là tháp đôi Hòa Bình Somerset mà là Hòa Bình Green City, tại Ba Đình.

Năm 2014, giới BĐS Hà Nội xôn xao khi vị doanh nhân này cho dát vàng thành lan can căn hộ, chạy chỉ ở sảnh và cửa thang máy ở dự án Hoà Bình Green Hà Nội. Lúc đó, không ít người nghĩ đây chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi, nhưng ông Đường làm thật. Chi phí phát sinh 20 triệu đồng đó là ông chịu.

Ít lâu sau đó, ông còn khiến mọi người sốc hơn khi quyết định dát vàng cho cả… nhà vệ sinh của tất cả các căn hộ của toà nhà thứ 2, thuộc tổ hợp này. Theo đó, những chỗ nào làm bằng kim loại trong nhà vệ sinh như vòi nước, nút ấn, thanh treo đều được mạ vàng.

Năm 2015, ông Đường lần nữa lại khiến dư luận xông xao khi quyết định đầu tư xây dựng chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) thương hiệu V+ trên khắp cả nước để miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam. Mô hình này được ông áp dụng ban đầu với 25.000m2 sàn TTTM thương hiệu V+ ở dự án Hòa Bình Green City. Thậm chí, ông còn có ý định cho các doanh nghiệp start-up thuê miễn phí.

Lý do mà ông Đường đưa ra cho kế hoạch này, là bởi ông muốn hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, cạnh tranh với các công ty nước ngoài mà ông cho rằng hiện đang chiếm lĩnh thị trường.

Trước đây, BigC đã thỏa thuận thuê hết mặt bằng tại Hòa Bình Green City trong 50 năm với giá 330 tỷ đồng, nhưng cuối cùng ông Đường từ chối và quyết định tự vận hành – miễn phí tiền thuê để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm góp phần quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhằm hưởng ứng phong trào “Người Việt dùng hàng Việt”.

Tuy nhiên, sự thật là, rất ít doanh nghiệp Việt có thể thụ hưởng được sự ưu đãi đó. Các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam thuần túy lại không nhiều, trong khi đó mà phần lớn các thương hiệu tiêu dùng lớn đều là hàng ngoại hoặc do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất.

Cũng như thế, để chứng tỏ các doanh nghiệp Việt không dễ bị bắt nạt, năm 2014, ông Đường quyết định lấn sân qua mảng nước giải khát, để cạnh tranh trực tiếp với Coca Cola và Pepsico, 2 doanh nghiệp nước ngoài đang làm mưa làm gió trên thị trường này tại Việt Nam.

Nhà máy nước giải khát của Hòa Bình Group được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 850 tỷ đồng, công suất 150 triệu lít nước ngọt, 20 triệu lít bia và 100 triệu lít nước tinh khiết mỗi năm. Nhà máy sử dụng công nghệ và dây chuyền hiện đại nhất, mới nhất thế giới của hãng Krones (Đức) mà chưa có hãng nào trên thế giới sử dụng.

Hiện tại, sản phẩm nước giải khát của Hòa Bình đã có mặt trên thị trường Việt Nam với tên thương mại chung là V+, song vẫn chưa thật sự phổ biến. Muốn tranh giành thị phần cùng Coca Cola hay Pepsi như ý định ban đầu, đại gia bất động sản này cần phải cố gắng hơn nữa.


Dự bán bất động sản gần nhất mà ông chủ Hòa Bình vừa hoàn thành là Hòa Bình Green Đà Nẵng. Tổ hợp này nằm trên khu đất 12.327,7m2, đường Lê Văn Duyệt (ngay bên cảng cầu Thuận Phước, thuộc phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà). Tòa nhà có diện tích xây dựng 3.800m2, cao 29 tầng với tổng cộng 1.824 phòng khách sạn, căn hộ tiêu chuẩn 5 sao. Từ đây có thể dễ dàng kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng, trung tâm thành phố, bãi biển Mỹ Khê, phố cổ Hội An…

Cách đây vài hôm, ông Đường vừa cho khánh thành khách sạn Vịnh Vàng Đà Nẵng, nằm trong tổ hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng. Đặc biệt, trên nóc của khách sạn (tầng thứ 29) có một bể bơi lát gạch phủ vàng 24K. Tại lễ khánh thành, Tập đoàn Hòa Bình đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức trao chứng nhận tổ hợp căn hộ – khách sạn có “Bể bơi vô cực dát vàng 24K cao và lớn nhất Việt Nam”.

Buổi khánh thành có sự xuất hiện nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Càn Văn. Ông Văn nhấn mạnh, mấy năm vừa qua Tập đoàn Hòa Bình có sự liên kết, hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc, phạm vi rất rộng, kết quả rất tốt đẹp. Chủ tịch Tập đoàn Nguyễn Hữu Đường có sang thăm Bắc Kinh, Thẩm Dương, Hàng Châu, Thượng Hải, Quảng Châu… và có quan hệ rất gắn bó với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hiện tại, Hòa Bình Group của ông Đường có kinh doanh và sản xuất các mặt hàng chính sau: xây dựng, thép, inox, bao bì, đường malt, trung tâm thương mại, rượu, nước giải khát…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét