Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ: “Tôi nói rất cởi mở, sắp nghỉ hưu rồi”

P.Thảo

Dân Trí - Chia sẻ nhiều “chuyện hậu trường” về những cuộc thanh tra lớn như cuộc thanh tra tại Formosa trước khi xảy ra sự cố môi trường biển, thanh tra việc chuyển nhà đất công tại Hà Nội sang cho doanh nghiệp… Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, ông cởi mở, thẳng thắn nói những chuyện này vì... 1/8 này ông sẽ nghỉ hưu…

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh là lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tham dự hội nghị tổng kết 6 năm thi hành luật thanh tra do Thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức ngày 21/7.

Theo báo cáo, trong 6 năm qua, Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ tiến hành 416 cuộc thanh tra, ban hành gần 400 kết luận thanh tra (6 tháng đầu năm 2017 đã ban hành 90 kết luận), kiến nghị xử lý trên 11.000 tỷ đồng. Ngoài các kiến nghị xử lý về kinh tế còn kiến nghị về việc tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tập thể có những sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Qua công tác thanh tra đã phát hiện xử lý nhiều vi phạm, đánh giá nguyên nhân cũng như đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung các tồn tại trong chính sách, cơ chế đầu tư, các định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp thực tế.

Ghi nhận những kết quả đã đạt được của Thanh tra Bộ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng lưu ý cần phát hiện, phân tích sâu những bất cập trong tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá xây dựng để có kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật điều chỉnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Hùng yêu cầu mở rộng các hình thức xử lý vi phạm hành chính vì hiện nay thanh tra xây dựng mới cơ bản là xử lý về mặt tài chính, còn những vấn đề khác có tính răn đe cao hơn như thu hồi giấy phép, cấm hoạt động xây dựng trong thời gian nhất định, hay là việc công khai thông tin thì còn hạn chế, hoặc ít áp dụng…

Tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh khẳng định, luật Thanh tra năm 2010 đã tạo nên hành lang pháp lý hết sức quan trọng cho hoạt động thanh tra, qua hoạt động thanh tra, trong đó có thanh tra Xây dựng.

Kết quả sau hoạt động thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong đời sống kinh tế xã hội, thu hồi về cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng, nhiều nghìn ha đất, xử lý hành chính nhiều tổ chức cá nhân có liên quan đến sai phạm. Đặc biệt những vi phạm quan trọng đã được cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Dù vậy, vấn đề hiệu lực của kết luận thanh tra được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ như một phần sự trăn trở của ông về hạn chế trong hoạt động của ngành.

Ông Hạnh kể, năm 2014, Thanh tra Chính phủ thực hiện một cuộc thanh tra lớn, thanh tra việc sử đụng đất đai ở tỉnh Hà Tĩnh. Kết luận thanh tra khi đó đề cập đến nhiều vấn đề tồn tại ở khu kinh tế Vũng Áng, đưa ra nhiều kiến nghị xử lý liên quan đến hoạt động của Formosa trên địa bàn. Tuy nhiên, những kiến nghị này sau đó chưa được tiếp thu, giải quyết.

Năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra, các cơ quan khi đó mới lật lại xem cơ quan nào từng thanh, kiểm tra ở đây chưa và “soi” lại kết luận thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ.

“Khi đấu tranh để ra được kết luận thanh tra lúc ấy, chúng tôi thậm chí phải mất cả tình, cả quan hệ với địa phương nhưng sau cùng, cách xử lý với kiến nghị thanh tra lại như vậy. Sau này, tôi đã từng nói, nếu năm 2014 chúng ta xử lý nghiêm những vấn đề tồn tại đã phát hiện được thì hậu quả như năm 2016 chắc chắn không xảy ra” – ông Hạnh trầm ngâm.

Một câu chuyện khác, về việc khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh kiểm tra, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ, ông từng được giao chỉ đạo một cuộc thanh tra lớn tại Hà Nội – thanh tra việc chuyển nhà đất công tại những vị trí có lợi thế đắc địa của thành phố sang cho doanh nghiệp. Khi đó, dự án xây cao ốc tại Giảng Võ đã được Thanh tra Chính phủ chọn làm một điển hình để báo cáo Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý việc này.

“Chúng tôi nghiên cứu hồ sơ, thấy dự án do UBND Hà Nội và Bộ VH,TT&DL “đứng tên”. Vậy vai trò của Bộ Xây dựng trong vấn đề thực hiện quy hoạch, tính toán hạ tầng, thẩm định kiến trúc… ở đâu, vai trò của Bộ KH-ĐT trong việc thực hiện cơ chế đầu tư ở đâu, vai trò của Bộ Tài chính trong việc thẩm định giá trị tài sản, cơ cấu nguồn vốn dự án ở đâu? Đó chính là những khoảng trống kiểm soát khiến dự án được lập nên mà chưa thuận. Nhưng khi đã nhìn ra những vấn đề đó thì chúng tôi nhận được thông tin Kiểm toán nhà nước đã vào cuộc. Vậy là bên thanh tra phải dừng hẳn” – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ gợi ý, cần thay đổi cơ chế phân định chức năng của các cơ quan để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra.

Ông Hạnh chia sẻ thêm: “Hôm nay tôi nói rất cởi mở về những việc này vì 1/8 tới là tôi nghỉ hưu rồi”.

Theo vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cần quy định rõ Thanh tra là hoạt động độc lập không coi việc trùng lặp với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là chồng chéo trong hoạt động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét