Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Cướp biển lộng hành ở Đông Nam Á

La Quang Trí

(TBKTSG) - Sáng sớm ngày 11-11-2016 một nhóm 10 người có vũ trang nghi thuộc nhóm khủng bố Abu Sayyaf tấn công tàu Royal 16, do Công ty cổ phần Hàng hải Hoàng Gia khai thác, và bắt đi sáu người trong đó đa số là sỹ quan của tàu.

Trước đó Việt Nam đã có nhiều tàu bị cướp ở khu vực này. Ngày 2-10-2014, tàu Sunrise 689 thuộc Công ty cổ phần Đóng tàu thủy sản Hải Phòng, đang trên đường từ Singapore về Quảng Trị thì bị cướp biển bắt giữ khi vừa ra khỏi vùng nước Singapore. Bọn cướp đã tắt tất cả các phương tiện liên lạc, xóa tên tàu và hút đi 1.500 tấn dầu trị giá hơn 30 tỉ đồng. Sau đó chúng... thả tàu.

Sau đó, ngày 7-12-2014, tàu dầu VP ASPHALT 2 chở 2.300 tấn nhựa đường cũng bị cướp biển tấn công sau khi rời cảng Singapore khoảng tám giờ và đi được đoạn đường khoảng 60 hải lý. Vụ tấn công làm cho thuyền viên Trần Đức Đạt bị bắn chết và chúng lấy đi nhiều tài sản trên tàu.

Không chỉ tàu Việt Nam, rất nhiều tàu quốc tế khác từng bị cướp ở khu vực này.

Ngày 11-6-2015, một nhóm hải tặc tám tên người Indonesia đã tấn công tàu Orkim Harmony quốc tịch Malaysia đang chở 6.000 tấn dầu, khi tàu này trong vùng lãnh hải của Malaysia. Trong quá trình chúng tìm đối tác bán dầu thì bị lực lượng tìm kiếm Malaysia phát hiện. Chúng cướp nhiều tài sản của thuyền viên rồi bỏ trốn. Chúng đã đi vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, giả dạng là ngư dân gặp nạn nhưng đã bị cảnh sát biển và biên phòng Việt Nam bắt giữ vào ngày 19-6-2015.

Ngày 9-8-2015, tàu Joaquim quốc tịch Singapore cũng bị cướp khi đang chở 3.500 tấn dầu nhiên liệu trị giá khoản 700.000 đô la. Sau khi lấy dầu, cướp biển đã thả tàu gần khu vực Pulau Rupat của Indonesia.

Đông Nam Á là vùng biển có sự kiểm soát của nhiều nước, nên việc chia sẻ thông tin không phải lúc nào cũng thông suốt. Khu vực này lại có nhiều đảo nhỏ không người ở dễ bề trú ẩn. Hơn nữa, đây cũng là nơi có các nhóm khủng bố, băng đảng tội phạm đặt đại bản doanh.

Năm 2014 có 124 vụ, năm 2015 có 178 vụ, trong nửa đầu năm 2016 đã có hơn 60 vụ cướp biển được ghi nhận ở khu vực này. Nạn nhân bị cướp biển châu Á giết hại có số lượng gấp đôi so với nạn nhân của cướp biển châu Phi.

Nếu như trước đây, cướp biển tập trung vào các tuyến đường chở hàng hóa, nguyên nhiên liệu từ châu Á sang châu Âu, thì ngày nay chúng tập trung vào các tuyến đường hàng hải qua khu vực Biển Đông. Do sự phát triển của các nền kinh tế khu vực này cũng như các nước phía Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, gần một phần ba giá trị thương mại toàn cầu và một phần tư lượng dầu trên thế giới được trung chuyển qua các vùng biển Đông Nam Á. Năm 2014, cướp biển đánh cướp được lượng dầu trị giá hàng triệu đô la Mỹ.

Những năm trước, cướp biển chủ yếu cướp tài sản trên tàu, bắt người đòi tiền chuộc thì những năm gần đây (từ năm 2013-2015), do giá dầu thế giới tăng cao nên chúng chuyển qua cướp dầu để bán. Sau một thời gian tạm lắng do giá dầu giảm mạnh, khó bán thì giờ đây, với những thay đổi về chính trị trong khu vực, các tổ chức khủng bố lại trở lại, với mục tiêu bắt người đòi tiền chuộc.

Phần đông cướp biển Đông Nam Á xuất thân là các thủy thủ, ngư dân, lái tàu thất nghiệp, họ không kiếm được việc làm nên trở thành cướp biển. Hơn nữa, cướp biển đem lại nguồn lợi quá lớn trong khi họ lại đang có cuộc sống nghèo khổ, nhiều người dễ bị sa vào con đường tội phạm một cách nhanh chóng.

Một nguyên nhân nữa là Đông Nam Á cũng là nơi có các nhóm xung đột sắc tộc, tôn giáo và các chính phủ vẫn chưa kiểm soát được hoạt động của các nhóm này, điển hình là nhóm Abu Sayyaf.

Để tránh bị cướp biển, các chủ tàu cần đầu tư tiền bạc và thời gian để đào tạo thủy thủ của mình về những kỹ năng chống cướp biển tấn công như báo động nhanh, báo cứu hộ nhanh, điều khiển tàu khéo léo để tránh việc các ca nô của cướp biển áp sát tàu. Cũng có những ý kiến cho rằng cần trang bị vũ khí trên các tàu thương mại. Tuy nhiên, với số lượng lớn tàu biển liên tục lưu thông trong khu vực này, việc trang bị cho từng tàu sẽ khó khả thi. Hơn nữa, chính quyền tất cả các cảng xung quanh khu vực này đang cấm trang bị vũ khí trên tàu thương mại.

Các chuyên gia từ Cục Hàng hải quốc tế (IMB) và Tổ chức Chống cướp biển châu Á (ReCAAP) dự báo nạn cướp biển ở khu vực Đông Nam Á sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn do sự khó khăn trong công tác phối hợp truy bắt giữa các nước trong khu vực này. Hơn nữa, việc phân hóa giàu nghèo trong khu vực ngày càng tăng. Một khi các vùng nghèo khó khác chứng kiến cướp biển đang làm ăn càng ngày càng tốt thì số lượng cướp biển sẽ được bổ sung thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét