Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Tướng Minh không 'khinh dân'

Đức Hiển

VNExp - Hơn 15 năm trước , Chánh án TAND Tối cao Trịnh Hồng Dương khi trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình trạng án dân sự bị sửa, hủy, đã nói: “Ở nước ta, đôi khi án dân sự xử sao cũng được”.

Đưa tin về Quốc hội thời điểm đó, tôi nhớ ông Dương bị vạ miệng vì câu nói ấy. Và tôi cũng hiểu, dư luận đã không đủ bao dung để hiểu ý ông là muốn nói về trình độ làm luật, trình độ pháp điển hóa dẫn đến hệ thống pháp luật chồng chéo, rối rắm và khả năng hạn chế của đội ngũ cán bộ tố tụng. Dù rằng bất cứ ai ở trong ngành luật đều hiểu tình trạng “Sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng” trong pháp luật về dân sự. Nhiều lần tôi tiếp cận ông, nhưng ông đã chọn cách im lặng.

Gần hai thập niên sau, mấy ngày trước, tướng cảnh sát Phan Anh Minh hứng búa rìu dư luận khi ông nói vụ án quán Xin Chào “nhỏ như cái móng tay”. Ông tướng có tiếng cương trực, thẳng thắn trong công việc lẫn trên nghị trường nơi ông là đại biểu Quốc hội, bỗng chốc thành tâm điểm của cơn bão dư luận. Từng nhiều năm theo mảng nội chính tôi tin và hiểu ông chỉ muốn nói rằng đấy là vụ án nhỏ, ít nghiêm trọng nhưng lực lượng hành pháp đã nóng vội khi xử lý.

Người không hiểu ông thì cho rằng khinh dân, “coi phận dân bé như cái móng tay”. Cũng như ông Chánh án Tối cao ngày xưa, tướng Minh im lặng. Nhưng giữa khoảng im lặng của ông Chánh án Tối cao ngày trước và ông tướng cảnh sát đương thời là một khoảng rối ren của pháp luật, của cách hiểu và cách vận dụng khác nhau của các cơ quan tố tụng, của các cấp trong cùng một ngành dọc. Hơn thế nữa, giữa khoảng im lặng ấy là số phận của người dân, sự tồn vong của doanh nghiệp khi đáo tụng đình. Dù án dân sự hay hình sự, thì nó cũng liên quan đến quyền lợi thiết thân nhất của mỗi con người: sức khỏe, tính mạng, danh dự, tài sản và những người thân quanh họ.

“Vụ án quán Xin Chào” đã được các cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh bàn tới bàn lui, Viện Kiểm sát huyện Bình Chánh sau nhiều phân vân cũng đã phê chuẩn việc khởi tố, sau nữa là chấp nhận kết luận điều tra, có cáo trạng gửi sang tòa. Tòa, đã lên lịch xử nhưng rồi chững lại khi báo chí vào cuộc, trả hồ sơ cho Viện. Liên ngành tố tụng TP HCM thống nhất đình chỉ bị can với ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán Xin Chào nhưng thời gian, cơ sở pháp lý để đình chỉ sẽ quyết định sau. Cuộc họp cho rằng việc khởi tố là có cơ sở pháp lý nhưng chưa hợp tình nên khiến dư luận dễ hoang mang. Một ngày sau, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo đình chỉ vụ án đồng thời đình chỉ chức vụ lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh.

Với quyết định này, có thể hiểu, Viện Tối cao cho rằng khởi tố ông chủ quán là sai luật, vi phạm tố tụng. Ông Tấn, chủ quán Xin Chào sẽ không bị hàm oan nữa, người làm sai sẽ bị xử lý, dư luận sẽ hạ nhiệt.

Tôi tin, kết quả trước mắt có thể khiến dư luận hài lòng nhưng xâu chuỗi lại thì rất bất an. Một vụ án ít nghiêm trọng, quy mô “nhỏ như cái móng tay” mà quan điểm của các cơ quan tố tụng quá khác nhau, còn thiếu thống nhất như thế thì làm sao yên tâm? Khi đó số phận pháp lý của người dân và doanh nghiệp không chỉ lệ thuộc vào quy phạm pháp luật và hành vi của mỗi công dân, mà nó lệ thuộc rất lớn vào cách hiểu và vận dụng pháp luật của những người có thẩm quyền tố tụng. Không chỉ thế, cách hiểu luật khác nhau ấy còn là kẽ hở cho tiêu cực phát sinh, cho nhũng nhiễu cửa quyền, cho những chọn lựa giữa mất tiền bạc hay mất an toàn pháp lý, mà thiệt thòi luôn nghiêng về phía người dân nghèo.

Chánh án Trịnh Hồng Dương im lặng sau câu vạ miệng; Tướng cảnh sát Phan Anh Minh cũng không lên tiếng giải thích. Tôi cho rằng, cả hai ông đều hiểu chỉ giải thích thôi cũng không thay đổi được điều gì. Bởi với cách hiểu và vận dụng luật mâu thuẫn của cả hệ thống tố tụng, không ai dám nói rằng ngày mai lại không có một “vụ án Xin Chào” khác và câu giải thích hôm nay, biết đâu lại thành viên đạn dư luận ngày mai nhắm vào mình?

"Sáng đúng, chiều  sai, ngày mai lại đúng" vẫn là câu cửa miệng của không ít người hiểu luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét