VNEco - Vào thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh lạnh, khi Liên Xô là đồng minh thân cận nhất của Cuba, Gilberto Gonzalez - một người Cuba sống ở Havana - đã được học tiếng Nga tại trường.
30 năm sau, Gonzalez chỉ còn nhớ được vài từ tiếng Nga đơn giản như “da”, “nyet”. Giờ đây, khi quan hệ giữa Nga và Mỹ tan băng, Gonzalez muốn các con mình học tiếng Anh để nắm bắt những cơ hội từ việc đất nước xích lại gần “cựu thù”.
Ông yêu cầu các con đăng ký tham gia học tại một trung tâm tiếng Anh tư thục ở Havana.
“Học phí có đắt cũng không thành vấn đề. Điều cần thiết là mở ra cánh cửa để đón một kỷ nguyên mới”, Gonzalez, 45 tuổi, nói với hãng tin Reuters.
Dạy và học tiếng Anh đang trở thành một “cơn sốt” ở Havana, với hàng chục trung tâm tư thục được mở tại nhà riêng trong thành phố kể từ khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào tháng 12/2014.
Nhiều năm qua, tiếng Anh đã là ngôn ngữ thứ hai phổ biến nhất ở Cuba, quốc gia cách bờ biển Florida có 90 dặm. Tuy nhiên, việc Cuba và Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao sau gần 6 thập kỷ gián đoạn đã đưa tới động lực mới và việc học tiếng Anh đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Cuba.
“Chúng ta cần phải nói tiếng Anh. Nếu bạn có thể nói 2-3 ngôn ngữ thì thật là tốt, nhưng tiếng Anh là quan trọng hơn cả”, ông José Ramón Machado Ventura, quan chức cấp cao thứ hai trong Đảng Cộng sản Cuba và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của cuộc cách mạng Cuba 1959, phát biểu.
Chính phủ Cuba đã đưa tiếng Anh vào danh sách các môn học ưu tiên tại các trường học ở nước này từ năm ngoái, cùng với lịch sử Cuba và tiếng Tây Ban Nha.
Việc Chính phủ khuyến khích học tiếng Anh và triển vọng hàng triệu du khách Mỹ đổ tới Cuba một khi Washington hoàn toàn dỡ bỏ hạn chế đi lại đã dẫn tới sự tăng vọt về số lượng giáo viên và học viên tiếng Anh tại đảo quốc vùng Caribbean này.
Học phí tiếng Anh ở Havana dao động từ 10-30 USD/tháng, so với lương trung bình trong khu vực kinh tế nhà nước chỉ là 25 USD/tháng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Cuba có thu nhập từ kinh doanh hộ cá thể và tiền do người thân gửi từ nước ngoài về.
Trong một giai đoạn của thập niên 1970, tiếng Nga là môn học bắt buộc đối với khoảng 1/3 học sinh cấp hai ở Cuba. Tuy vậy, lãnh tụ Cuba Fidel Castro về sau đã bày tỏ sự hối tiếc về quyết định tập trung vào tiếng Nga mà ông đã đưa ra khi Liên Xô còn là đồng minh thân cận nhất của Cuba.
“Người Nga học tiếng Anh. Cả thế giới học tiếng Anh. Mà chúng ta lại học tiếng Nga”, ông Castro nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét