Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Tăng án phạt đối với cựu công an viên đánh chết học sinh

Tấn Lộc

(PLO)- Cựu công an viên ở Khánh Hòa vô cớ bắt, đánh một nam sinh dẫn đến tử vong bị phạt tám năm sáu tháng tù (tăng một năm chín tháng so với bản án sơ thẩm lần một đã bị tòa phúc thẩm hủy án).

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11-2014, TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt Lê Minh Phát sáu năm tù về tội cố ý gây thương tích, chín tháng tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt là sáu năm chín tháng tù; bị cáo Tâm bị phạt chín tháng tù cho hưởng án treo về tội bắt người trái pháp luật, bị cáo Khỏe ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm ngày 24-3-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Chiều nay (23-3), sau ba ngày xét xử, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tại phiên sơ thẩm lần hai đã tuyên phạt Lê Minh Phát (26 tuổi, cựu công an viên xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) bảy năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích, một năm tù về tội bắt người trái pháp luật; tổng hợp hình phạt là tám năm sáu tháng tù;

Bị cáo Lê Ngọc Tâm (33 tuổi, cựu công an viên xã Vạn Long) bị phạt một năm tù cho hưởng án treo về tội bắt người trái pháp luật. Bị cáo Lê Tấn Khỏe (sinh ngày 10-4-1999, ngụ xã Vạn Long) bị phạt ba năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Bản án cũng buộc bị cáo Phát và cha mẹ Khỏe mỗi bên phải bồi thường hơn 105 triệu đồng cho gia đình người bị hại.

Bản án xác định: Chiều 29-12-2013, Lê Tấn Khỏe đã dùng vỏ chai thủy tinh ném trúng đầu gây thương tích đối với em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh).

Sau đó, mặc dù không có thẩm quyền, không được phân công nhưng hai công an viên xã Vạn Long là Phát, Tâm đã vô cớ bắt em Thạch đưa về trụ sở công an xã.

Trong quá trình bắt giữ, trên đường đi và ở trụ sở công an xã, Phát đã nhiều lần đánh vào đầu em Tu Ngọc Thạch tiếp tục gây thương tích, làm chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong.

Tòa nhận định, đây là hậu quả tổng hợp của hai hành vi của Khỏe và Phát. Bản án sơ thẩm cũng cho rằng không đủ cơ sở kết luận vết nứt trên mũ bảo hiểm của Phát do cơ quan điều tra thu giữ tại hiện trường do điều gì gây ra, lời khai của các nhân chứng cho rằng trước khi chết em Thạch nói bị Phát dùng mũ bảo hiểm đánh vào dầu nhiều lần chỉ là nghe lại chứ không chứng kiến, không ai thấy Phát dùng mũ bảo hiểm hay vật gì khác ngoài tay chân đánh em Thạch… Do đó, bản án sơ thẩm cho rằng không có căn cứ kết luận Phát phạm tội giết người như quan điểm của các luật sư.

Tuy nhiên, bản án nhận định hành vi gây thương tích của Phát, Khỏe đối với em Thạch là rất nghiêm trọng. Riêng hành vi của Phát thể hiện là người hung hăng, có tính chất côn đồ, coi thường kỷ cương pháp luật, coi thường tính mạng người khác. Ngoài ra, Phát thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em trong lúc tay bị còng, không có khả năng kháng cự. Hành vi bắt người trái pháp luật của Phát, Tâm đã xâm phạm quyền tự do thân thể của con người, nhất là đối với trẻ em.


Bản án lần này cũng kết luận không có cơ sở để khởi tố đối với ông Võ Văn Hòa, Trưởng Công an xã Vạn Long về hai hành vi bắt người trái pháp luật với vai trò đồng phạm và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo đề nghị của các luật sư.

HĐXX cho rằng ông Hòa không chỉ đạo cấp dưới bắt em Thạch, không biết cấp dưới bắt như thế nào, việc ông Hòa chỉ đạo lấy lời khai đối với em Thạch, buộc người thân viết giấy bảo lãnh mới cho về nhà là cần thiết, cơ sở để giải quyết sự việc, đúng quy định. Tòa cho rằng ông Hòa không mặc nhiên đồng tình với việc bắt người trái pháp luật.

Bản án cũng cho rằng việc ông Huỳnh Trung Thắng, Phó Công an xã Vạn Phước, tham gia bắt em Thạch là khách quan, vì việc chung, theo quy chế phối hợp giữa công an các xã do Công an huyện Vạn Ninh ban hành. Do đó, tòa cho rằng hành vi của ông Thắng là sự phối hợp cần thiết khi có yêu cầu nên không có cơ sở để khởi tố đối với ông này về hành vi bắt người trái pháp luật theo yêu cầu của các luật sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét