Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời

Hồ Trần - Theo SKCĐ

TTTG - Sau hai năm bạo bệnh, ông đã tạ thế tại đất Việt, là nơi mà ông đã chọn để nằm lại sau nhiều năm sống lưu vong đất khách.

Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời tại nhà riêng ở TPHCM lúc 4h sáng 24/3.

Ông sinh năm 1938 tại Nha Trang, định cư ở Mỹ mấy chục năm qua và sách sử của ông chỉ được chính thức ấn hành tại Việt Nam khoảng 5 năm gần đây, chủ yếu do NXB Trẻ ấn hành.

Sau hai năm bạo bệnh, ông đã tạ thế tại đất Việt, là nơi mà ông đã chọn để nằm lại sau nhiều năm sống lưu vong đất khách.

Cho đến nay, vẫn chưa thực sự có những đánh giá xác đáng các công trình và tác phẩm sử học tại Việt Nam, nhưng sách của ông đã được đón nhận rất trân trọng và là nguồn tài liệu quý giá cho việc nghiên cứu sử học, từ một cách viết, cách ghi với những nhận định lý thú, thuyết phục.

Chia sẽ trên blog của mình – Quachhienblog, một nhà nghiên cứu trẻ làm trong ngành nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn viết:  “Tạ Chí Đại Trường mới được đọc công khai ở miền Bắc khoảng dăm năm trở lại đây. Thế hệ những nhà nghiên cứu ở miền Bắc trước đây đọc Tạ Chí Đại Trường như thế nào và bằng con đường nào tôi không biết, còn thế hệ chúng tôi đầu tiên là đọc những bài phê bình Tạ Chí Đại Trường trước (như bài của Nguyễn Phan Quang) rồi mãi sau này mới có cơ hội đọc chính văn của ông.

Ban đầu chỉ có thể tìm đọc những đoạn viết riêng lẻ trên một số mạng như “Sex và triều đại”, rất lâu sau đó, một số bác nổi tiếng đi Mỹ cầm về Sử Việt đọc vài cuốn thì mới đọc ra đầu ra đũa.

Sau đó Lịch sử nội chiến được xuất bản nhưng rồi cũng bị cấm bán ngay lập tức. Có 2 cuốn xuất bản thuận lợi là cuốn Thần người và đất Việt và cuốn mới nhất là Những bài dã sử Việt, nhưng sinh viên ngành Sử rất ít người biết đến những cuốn sách này. Tôi, nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, có hầu hết những công trình kể trên và không kể ở trên của Tạ Chí Đại Trường.

Nói cho công bằng, như vậy là so với nhiều học giả có tiếng tăm khác của Sài Gòn trước năm 1975, Tạ Chí Đại Trường may mắn hơn rất nhiều, vì sách của ông vẫn còn có thể xuất bản ở Việt Nam (thời hiện tại) và vẫn có người đọc”.

Cũng theo nhà nghiên cứu này “trong lịch sử nghiên cứu của Việt Nam, có một khoảng rất trắng, đó chính là tình hình học thuật ở Sài Gòn trước 1975. Chính khoảng trắng này tạo ra rất nhiều nghịch lý, có những công trình của hiện tại đang lặp lại những vấn đề mà các học giả Sài Gòn trước 1975 đã giải quyết xong xuôi chẳng hạn”.

“Nếu như không có khoảng trống về tư liệu đã không xảy ra những chuyện tương tự. Tạ Chí Đại Trường cũng là một trường hợp như thế, các công trình của ông có thể là quen thuộc và chẳng xa lạ gì với những người thời ông, nhưng với rất nhiều sinh viên nghiên cứu ngành Sử bây giờ, Tạ Chí Đại Trường và nhiều tên tuổi sử gia khác của Sài Gòn trước 1975 là hoàn toàn lạ lẫm”.

Dù ông đã qua đời, nhưng có lẽ cũng là thời điểm rất nóng để chúng ta quay lại đọc những tác phẩm của ông, như một bài học lịch sử để soi chiếu cho hiện tại và tương lai.

Hiện linh cữu nhà sử học Tạ Chí Đại Trường được quàn tại nhà: 402/27 An Dương Vương, phường 4, quận 5, lễ viếng bắt đầu từ 20g ngày 24/3.  Lễ động quan lúc hg ngày 27/3, và đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét