CANN - Có câu thơ khuyết danh lưu truyền trong dân gian, “Thương dân, dân lập đền thờ/ Hại dân, dân đái ngập mồ thối xương”. Nhìn những hành động thiết thực của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, tôi thật sự xúc động và bật lên âm vọng của hai câu thơ ấy.
1. Vài năm trước, dịp công tác ở Hà Nội, tôi có ghé sang thăm một người anh. Người anh này đang là giám đốc của một doanh nghiệp tư nhân làm ăn phát đạt. Trong căn phòng làm việc của anh, di ảnh của Bác Hồ được đặt nghiêm ngắn trên cao, khói hương ấm nồng, thơm ngát.
“Anh thờ ông Cụ ạ?”, tôi hỏi ngạc nhiên. “Với cả gia đình anh, ông Cụ là đức thánh”, anh trả lời.
Tôi đi qua nhiều nơi, ở miền Tây, miền Trung, miền Bắc hay Tây Nguyên, đều bắt gặp di ảnh của Bác trong những hộ gia đình. Họ thờ Bác một cách thành tâm, Bác như là người thân, là thành viên trong gia đình vậy.
Ở xã Quảng Công, thuộc huyện Quảng Điền, Huế. Có ngôi đền thờ ông Phan Thế Thương, nguyên Giám đốc Sở Thủy Sản Thừa Thiên – Huế.
Tư liệu trích dẫn, “Năm 1985, tại địa phương này xảy ra một trận bão lớn, hàng ngàn người chết, hơn 300 người dân bị trôi ra biển không tìm thấy xác. Một hôm, có một ông cán bộ từ tỉnh về, xin ở cùng với bà con, bày cho bà con làm đầm nuôi tôm, khỏi sống trên các nốc (đò, vùng này bà con chủ yếu sống trên các con đò hành nghề đánh cá).
Và từ đấy, bà con đổi đời. Xã Quảng Công trở nên giàu có, rất phát triển. Bây giờ về đấy, nhà xây san sát, ngất nghểu, đường sá thênh thang như phố). Nhớ ơn ông, nhân dân nơi này đã lập điện thờ ông như Thành Hoàng, như ông Tổ của nghề nuôi trồng thủy sản.
2. Đền thờ cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh nằm trong khu khuôn viên gia tộc ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), chưa bao giờ ngớt khói hương.
Cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh sinh thời được nhân dân cả nước ngưỡng mộ vì phong thái quyết liệt, gần dân, lắng nghe dân. Ngày ông mất, trên đường di quan, dân đã lập hương án đưa tiễn.
Vài tuần trước Tết Nguyên đán, trong dịp công tác tại Quảng Bình, tôi trang thủ viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hôm ấy, Quảng Bình vừa qua đợt rét lạnh, nắng nóng vô cùng. Con đường kéo dài từ dưới chân dốc lên nơi yên nghỉ của Đại tướng không ngớt chân người. Ai cũng thành kính, ai cũng thật lòng thương nhớ Đại tướng.
Đứng mặc niệm trước mộ Đại tướng, tôi không nghĩ gì cả. Chỉ là cảm giác nuối tiếc vì một nguyên khí của quốc gia, một hiền tài của dân tộc đã không còn nữa. Mặc dù vẫn biết rằng, sinh lão bệnh tử đã là quy luật của muôn đời.
3. Có những lãnh đạo đời đời được nhân dân ca ngợi, như ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú, được mệnh danh là "cha đẻ của khoán hộ" mà người ta quen gọi là "khoán mười", "cha đẻ của Đổi mới trong nông nghiệp" ở Việt Nam.
Cố Bí thư tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan, người đã truyền cảm hứng cho nhân dân vùng đất lửa, đưa Quảng Bình trở thành ngọn cờ đầu của miền Bắc trong những năm chiến tranh khốc liệt…
Nhân dân bao giờ cũng sòng phẳng, nhân dân bao giờ cũng ủng hộ nếu lãnh đạo biết lo cho dân, vì dân mà hành động.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng mới đảm đương nhiệm vụ chưa đầy một tháng, nhưng cái cách biết đi bộ đến gần dân, biết nghiêng tai lắng nghe dân nói, biết quyết đoán trong xử lý của ông đã khiến nhân dân thành phố nói riêng, và cả nước nói chung tin tưởng, ủng hộ.
Sinh thời Bác Hồ đã dạy, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bí thư Đinh La Thăng như một luồng gió mới, một sinh lực mới cần thiết trong giai đoạn hiện tại. Lúc nào, tôi cũng kính mong ông nhiều sức khỏe, can trường, chân cứng đá mềm. Bởi trong bất cứ công cuộc đổi mới và phát triển nào, đều nhất định cần một người tiên phong
Và, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chính là người tiên phong ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét