Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Chuyện về bảng điểm của cụ Einstein

Thanh Thảo

MTG - Tôi vừa được một người bạn mail cho bức ảnh chụp bảng điểm thời trung học của nhà bác học vĩ đại Einstein. Tôi choáng. May quá, nếu cụ Einstein học ở Việt Nam bây giờ, bảo đảm cụ không chỉ rớt đại học, mà với bảng điểm ấy, cụ chỉ được xét tuyển vào…trung cấp.

Nghĩa là học xong, cụ sẽ không có việc làm, cùng lắm thì đứng quán bưng bê cà phê, lương tháng triệu bạc. May mà ở Đức hay ở Mỹ người ta không quan tâm nhiều tới điểm số ở trường phổ thông, vào đại học cũng chẳng phải thi. Nhưng đây là bảng điểm cuối cùng của Albert Einstein, từ đó cụ không học thêm ở bất cứ trường nào khác.

Có phải cụ chán học? Không phải đâu! Cụ chán trường thì đúng hơn. Như thế, có thể nói, thuyết tương đối không thể sinh ra từ nhà trường phổ thông, dù nơi đó chỉ là “mầm mống” để sinh ra. Nó sinh ra ở đâu? Tôi không biết, anh cũng không biết. Nhưng tôi biết, nhiều người ngay khi đi học đã chán trường lắm, mà không dám bỏ. Có rất nhiều áp lực nếu anh bỏ trường học. Ngày đi học phổ thông, tôi cũng chán học, nhưng không dám bỏ, không thể bỏ.

May mà tôi thi đỗ tốt nghiệp phổ thông. Hồi đó, Mỹ đã đánh ra miền Bắc, và tôi chỉ muốn đi bộ đội. Nhưng khi được tuyển vào khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp, tôi đã hết sức vui mừng. Tôi lại muốn học. Và quả thật, tôi đã có lựa chọn đúng. Khoa Văn Tổng hợp đã cho tôi rất nhiều, dù không phải kiến thức đại học làm nên bản thân tôi. Xem ra, thì bỏ trường hay bám trường, cũng tùy vào trường ấy như thế nào. Albert Einstein đã khuyến khích chúng ta, ở đời còn rất nhiều sự lựa chọn, có nhiều con đường “dẫn tới thành Rome”, vấn đề là ta biết chọn con đường nào phù hợp nhất với mình.

Nhưng với kiểu thi đại học ở Việt Nam bây giờ, nhiều khi thí sinh không có quyền chọn lựa, nhiều khi đành phó mặc cho may rủi. Điểm thi không thể nói lên tất cả về năng lực của một con người, nhất là những năng lực còn tiềm ẩn. Nhiều người có điểm thi thấp, học trường nhỏ, vậy mà sau khi ra trường đã làm việc rất tốt, và vươn lên nhờ chính năng lực của mình. Ngược lại, cũng có những người học trường lớn, học giỏi, bảng điểm đẹp, nhưng ra trường không thể phát huy để trở thành một người giỏi giang hay thành đạt.

Tôi đã gặp nhiều người bất đắc chí. Phần đông trong số họ là những học sinh giỏi ở trường phổ thông. Tôi có một anh bạn. Anh này, khi học cùng khóa lớp 4 với tôi đã luôn là học sinh giỏi dẫn đầu trường. Sau này anh xuất ngoại du học, tiếp tục là sinh viên giỏi. Vậy mà ở những lúc cần anh phát huy tài năng nhất, thì anh lại khá mờ nhạt. Dĩ nhiên, yếu tố số phận là rất quan trọng ở những trường hợp như thế này. Nhưng dù sao, vẫn rất tiếc. Giữa năng lực học tập và năng lực làm việc vẫn có một khoảng cách. Ở giữa khoảng cách đó là những may mắn hay rủi ro mà nhiều khi con người không tự quyết được. Và biện pháp tốt nhất để thu hẹp khoảng cách này là phải có một nền giáo dục thực chất. Thực dạy và thực học.
 
Đây là bằng tốt nghiệp và bảng điểm của Albert Einstein.Nếu Einstein sau này không là một thiên tài hàng đầu của nhân loại, thì khi thoạt nhìn bảng điểm này mà không biết của học sinh nào, người ta đã phá ra cười:

Tổng kết, cụ được 5 điểm 6, 4 điểm 5, 3 điểm 4, và 1 điểm 3 ( thang điểm 10).

Ở Việt Nam bây giờ, con cái có bảng điểm như thế, bố mẹ đánh cho chết! Bởi nó ở mức trung bình kém. Điều này có an ủi được các em học sinh có bảng điểm tương tự ở Việt Nam? Tôi tin là an ủi được. Vì thế xin mạnh dạn đưa lên báo để mọi người tham khảo. Việt Nam là đất nước chuộng bằng cấp vào cỡ hàng đầu thế giới, nên tôi biết có chú em lúc học phổ thông cũng có bảng điểm tương tự...bảng điểm Einstein, nhưng sau này ra đời làm việc rất giỏi, làm Tổng giám đốc một Tổng Cty lớn, kinh doanh rất phát đạt.

Nhưng vì ở Việt Nam, nên chú em này không thể bắt chước Einstein chỉ dừng ở tấm bằng trung học với kết quả trung bình, mà phải cày cục sắm cho mình tấm bằng...tiến sĩ. Như thế mới ngồi vào chiếc ghế “Tổng” được. Trong khi cái quyết định vị trí đó là ở năng lực, chứ không phải ở bằng cấp. Cụ Einstein đã từ chối bằng cấp, vì cụ tự tin ở mình. Nhưng cũng vì ở những xã hội cụ sống, người ta chỉ đánh giá con người qua thực chất năng lực, chứ không qua bằng cấp.

Sau này, Bill Gates hay nhiều thiên tài khác cũng vậy. Họ sẵn sàng bỏ trường, chứ không phải bỏ học. Trái lại, họ học suốt đời. Chỉ cần ở Việt Nam khuyến khích việc học suốt đời, học không cần bằng cấp, học thực chất, thì tôi nghĩ, đất nước ta hoàn toàn có thể vươn lên “sánh vai với...”. Chưa sánh vai được với ai, thì tự vượt lên chính mình, tự đẩy vai mình lên, đã là thành tựu. Ở mình không thiếu những tấm gương tự học, không thiếu những người đã trở nên những bậc thầy nhờ tự học. Tôi còn nhớ chuyện bố tôi kể thời ở nhà tù Buôn Ma Thuột, tù nhân chính trị trong cả nhà tù đều tự học. Và nổi lên tấm gương lớn về tự học của Phan Đăng Lưu-người được bạn tù gọi là “cuốn từ điển sống”.

Bố tôi kể: ông Phan Đăng Lưu học thuộc lòng cả quyển Từ điển Pháp-Việt của Đào Duy Anh. Bạn tù cần hỏi nghĩa chữ nào trong tiếng Pháp (và ngược lại), ông Lưu nói ngay, nhanh và luôn. Tài đến thế thì ngay bây giờ cũng rất hiếm. Được ở cùng những người như Phan Đăng Lưu, thật hạnh phúc, dù là ở trong…tù. Tôi còn nhớ, một người bạn tôi học ở khoa Lý Đại học Tổng hợp Hà Nội (sơ tán) chỉ tự học mà thành thạo tới 3 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp. Học như thế thì quá siêu!

Lại nhớ, một “thần đồng” Việt Nam học ở Nga tới 4, 5 năm trời mà nói tiếng Nga không thạo. Chả biết “thần đồng” kiểu gì ? Những người tự học luôn khiến tôi khâm phục. Họ đã tự vượt lên chính mình, và họ không một chút mặc cảm. Nếu cần chọn tấm gương học tập cho mình, tôi sẽ chọn những người tự học, chứ không chọn những người thành danh từ trường ốc. Phải bao nhiêu năm để một người tự học thành tài, tôi không biết. Nhưng tôi biết, khi một người tự học thành tài, thì họ tài thật. Vì họ không có gì để chứng minh cho mình, ngoài thực tài. Bạn có muốn là một người tự học thành tài ?

Nhưng tự học quả thật rất khó. Tôi đã tự học Anh văn, và tôi biết. Cuối cùng, sau nhiều năm, gần như tôi lại trở về số 0. Có thể tôi học sai phương pháp. Cũng có thể tại nhiều lý do khác. Nhưng sự kiên trì là điều tôi còn thiếu. Và nó đã dẫn tới một kết quả không tốt. Nhớ hồi học năm thứ nhất khoa Văn, tôi với bạn Cao Văn Định ở chung nhà (nhà dân) với anh Dương Hòa Bình. Anh này quê Nam Bộ, hai mùa kháng chiến, từng được dự Đại hội nhà văn trẻ miền Bắc năm 1962 cùng nhà văn Anh Đức, dù tôi cũng không biết anh viết tác phẩm gì.

Sau giải phóng anh về làm Tuyên huấn ở TP Hồ Chí Minh. Khi vào khoa Văn, anh Bình đăng ký học Pháp văn. Mỗi sáng sớm, tôi với Định còn trùm chăn ngủ, đã nghe anh Bình đọc tiếng Pháp như quốc kêu “ Lơ Cơ là trái tim…Lơ Cơơ…”. Tôi với Định không nhịn được cười, thì nghe anh Bình than:  “Hồi hôm nó lại ra, mày ơi! Lơ Cơơ…”. Lơ Cơ là trái tim, còn “nó lại ra” là câu chuyện khác: anh Bình bị…di tinh, hay mộng tinh gì đó. Đâm ra bây giờ, mỗi khi nghe ai nói trái tim bằng tiếng Pháp, tôi lại nhớ tới căn bệnh di mộng tinh của anh Bình. Lơ Cơơ ơ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét